Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hương Ly - Ảnh: Quang Thái| 20/10/2022 12:15

(HNMO) - Sáng 20-10, Đoàn kiểm tra số 01 của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố làm Trưởng đoàn đã làm việc với phường Trúc Bạch và phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) về kết quả xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở.

Quang cảnh buổi kiểm tra.

Gắn việc triển khai QCDC với thực hiện nhiệm vụ chính trị

Báo cáo của quận Ba Đình cho thấy, thời gian qua, Quận ủy đã lãnh đạo Đảng ủy phường Trúc Bạch, phường Vĩnh Phúc thực hiện nghiêm túc Kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thành phố. Việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở của 2 phường đã được Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội 2 phường quan tâm, triển khai thực hiện. Đảng ủy 2 phường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng; thực hiện các nhiệm vụ chính trị, với việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Đảng ủy 2 phường đã lãnh đạo triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ, Quyết định số 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI); Quyết định số 6525-QĐ/TU, Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy về ban hành “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn quận”. Năm 2021 và 9 tháng năm 2022, Đảng ủy - UBND phường Trúc Bạch đã tổ chức 2 hội nghị tiếp xúc, đối thoại; 3 hội nghị phản biện, Mặt trận Tổ quốc phường đã tổ chức 7 cuộc giám sát. Phường Vĩnh Phúc đã tổ chức 3 hội nghị tiếp xúc, đối thoại theo Quyết định số 2200-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường đã tổ chức 3 hội nghị phản biện. Các tổ dân phố xây dựng Quy ước xây dựng tổ dân phố “Văn minh - an toàn - sạch đẹp” và được UBND quận phê duyệt.

Đại diện phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) báo cáo tại buổi kiểm tra.

Tại phường Trúc Bạch, Đảng ủy đã lãnh đạo UBND phường thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh số 34/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; xây dựng kế hoạch thực hiện QCDC trong các loại hình mới do quận ban hành, gồm: Thực hiện QCDC trong công tác thuế đối với cá nhân kinh doanh trên địa bàn quận; QCDC trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận; QCDC trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

UBND phường xây dựng và ban hành các quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của UBND phường; thực hiện công khai các loại quỹ đóng góp của dân; kết quả bình xét các hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, trợ cấp xã hội, các trường hợp được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 15/NQ-HĐND của HĐND thành phố; niêm yết công khai 111 thủ tục hành chính cấp phường và 59 thủ tục hành chính liên thông thuộc 12 lĩnh vực tại bộ phận “một cửa” của phường; niêm yết công khai đề án tổ chức khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã, phường Trúc Bạch…

Nhờ phát huy dân chủ ở cơ sở, nhân dân đã tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí hỗ trợ xây dựng các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, xã hội hóa… từ năm 2020 đến nay với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Tất cả kinh phí vận động đều do nhân dân đóng góp, đồng thời đều được công khai cho nhân dân và cử người giám sát…

Đại diện phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) báo cáo tại buổi kiểm tra.

Tại phường Vĩnh Phúc, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND phường ban hành quy chế làm việc của UBND phường khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ 1-7-2021; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy ước đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Hiện tại, 24 quy ước tổ dân phố đã được UBND quận Ba Đình phê duyệt.

Phường Vĩnh Phúc cũng đã gắn thực hiện QCDC với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. UBND phường đã ban hành các quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan UBND phường. Công tác cải cách hành chính được quan tâm: Năm 2021 và 9 tháng năm 2022 đã tiếp nhận và giải quyết 7.834/7.834 hồ sơ, 100% hồ sơ hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của phường được trả trước hạn và đúng hạn, trong đó tỷ lệ hồ sơ được trả trước hạn đạt trên 90%. Năm 2021, UBND phường đã được UBND quận khen thưởng có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính. Hiện tại, UBND phường đang triển khai thực hiện “mô hình giải quyết thủ tục hành chính 5 thủ tục, 5 giải quyết tại chỗ”, quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ với phương châm: “Luôn luôn lắng nghe, sẵn sàng phục vụ”.

Quan tâm giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân

Tại hội nghị, các thành viên đoàn kiểm tra đã trao đổi nhiều ý kiến nhằm giúp phường Trúc Bạch, Vĩnh Phúc triển khai có hiệu quả việc thực hiện dân chủ tại cơ sở.

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Quận ủy Ba Đình và sự vào cuộc tích cực của phường Trúc Bạch, Vĩnh Phúc trong việc thực hiện QCDC tại cơ sở.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận buổi kiểm tra.

Qua hơn 50 câu hỏi giữa các thành viên đoàn kiểm tra và 2 phường, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị quận Ba Đình tiếp tục quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện QCDC trong các loại hình mới; trong đó chú trọng việc thực hiện QCDC trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng; mở rộng xây dựng và thực hiện QCDC trong những lĩnh vực mà nhân dân quan tâm…

Nhấn mạnh những nhiệm vụ cần triển khai thời gian tới, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thành phố đề nghị quận Ba Đình và 2 phường tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cùng với việc rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch công tác năm 2022, các cấp ủy, chính quyền; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ quận đến cơ sở tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, thành phố về thực hiện dân chủ ở cơ sở, gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng; trách nhiệm của chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về thực hiện QCDC.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị gắn việc thực hiện QCDC với các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, của địa phương, cơ sở; thực hiện tốt chủ đề năm 2022 của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về củng cố cơ sở Đảng yếu kém, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thành phố cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện nghiêm việc tiếp công dân; tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân… Cùng với đó, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở, qua đó góp phần hoàn thành những nhiệm vụ chính trị được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.