(HNM) - Sáng 10-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đã có 27 ý kiến tham gia góp ý tại phiên thảo luận quan trọng này.
Đề nghị QH thông qua Nghị quyết ngay tại kỳ họp, các ĐBQH nhận định, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ thêm một thước đo và là cơ sở quan trọng trong công tác cán bộ, đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri cả nước. Mặt khác, việc này cũng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Nghị quyết số 27/2012/QH13 của QH về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.
Các nội dung liên quan tới phạm vi, thời gian, mức độ đánh giá bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm được các ĐBQH tập trung thảo luận. Cho rằng, nếu QH lấy phiếu tín nhiệm với tất cả các chức danh do QH và HĐND bầu là quá nhiều và tốn kém khi thực hiện, đa số ý kiến nhất trí với phương án QH chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm với 49 chức danh chủ chốt gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH; Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng VKSND Tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước. HĐND các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực, Trưởng các ban của HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên của UBND. ĐB Cù Thị Hậu (đoàn Hưng Yên) đánh giá, việc thu hẹp phạm vi với các chức danh chủ chốt nêu trên sẽ phù hợp với thực tế, tránh dàn trải, hình thức khi thực hiện. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên chúng ta triển khai nên cần làm thí điểm trong diện hẹp với quy trình chặt chẽ, khoa học, sau đó tổng kết đánh giá trước khi nhân rộng. Đồng tình với nhận định này, song các ĐB Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau), Phạm Tường Dân (đoàn Quảng Nam); Phạm Văn Tam (đoàn Hà Nam) đề nghị QH cần xem xét, bổ sung lấy tín nhiệm tới các giám đốc sở, trưởng các ngành, đoàn thể bởi đây là những vị trí chủ chốt có liên quan tới quyền và tiền nên cần giám sát.
Tại phiên thảo luận, các nội dung liên quan tới thời gian tổ chức và mức độ đánh giá vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm nên thực hiện định kỳ hằng năm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Bởi việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm sẽ làm cho những người giữ chức vụ phải nỗ lực, phát huy trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua đó cũng giúp các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Còn đối với bỏ phiếu tín nhiệm, sau hai lần lấy phiếu tín nhiệm liên tiếp nếu không đủ 50% thì mới tiến hành. Không tán thành với hình thức trên, các ĐB Trương Thị Thu Trang (đoàn Tiền Giang), Đinh Thị Phương Khanh (đoàn Long An) đề xuất, nên chuyển lấy tín nhiệm sang kỳ họp cuối năm của năm thứ hai, trong một nhiệm kỳ chỉ nên lấy tín nhiệm 3 lần, không tiến hành trong năm đầu và năm cuối. ĐB Phạm Tường Dân (đoàn Quảng Nam) đề nghị, với những trường hợp phiếu tín nhiệm thấp ngay trong năm đầu tiên cần tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay, không đợi đến năm sau.
Một điểm mới trong phiên thảo luận nhận được sự đồng thuận của nhiều ĐB đó là yêu cầu bổ sung một kênh thông tin khi tiến hành đánh giá bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm là đề nghị UB MTTQ Việt Nam thu thập ý kiến của nhân dân. ĐB Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận) nhận xét, Dự thảo Nghị quyết chưa đề cập nhiều đến vấn đề nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, trong công tác đánh giá cán bộ, dự thảo nên thêm quy định để người dân trực tiếp thể hiện ý kiến của mình thông qua MTTQ và các điều tra dư luận xã hội.
* Chiều cùng ngày, QH đã thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại. Các ý kiến nhận định, sau hai năm thực hiện, tuy mới làm thí điểm ở TP Hồ Chí Minh nhưng kết quả hoạt động của 5 văn phòng Thừa phát lại với tổng doanh thu đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng đồng là đáng khích lệ, khẳng định một hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp, thi hành án dân sự. Tán thành với đề xuất tiếp tục thực hiện mô hình thừa phát lại, các ý kiến lưu ý nên nhân rộng tại một số địa phương khác và tiếp tục thí điểm đến năm 2015, trên cơ sở đó, tổng kết, đánh giá toàn diện, hoàn thiện mô hình để triển khai thực hiện trong phạm vi toàn quốc.
Trước đó, với 90,96% ý kiến tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về ngân sách Nhà nước năm 2003. Trong đó, khẳng định Chính phủ cần tiếp tục thực hiện một phần tăng lương, cân đối nguồn bằng việc quản lý chặt chẽ các khoản chi thường xuyên, mua sắm đầu tư công, giảm các chuyến công tác nước ngoài...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.