(HNM) - Thực ra, với ngành du lịch, dùng từ "chuyển hướng" trong việc xác định thị trường không có nghĩa bỏ đi nơi nào đó. Đúng ra là chúng ta đang tìm giải pháp để "mở rộng cửa" vào những thị trường tiềm năng mà lâu nay, vì nhiều nguyên nhân, chưa được tiếp cận đủ mức cần, chưa thể khai thác đầy đủ.
Việc mở rộng thị trường cho phép tránh rủi ro, loại bỏ sự phụ thuộc để tạo thế phát triển bền vững, hạn chế hậu quả khi xảy ra sự cố đối với đường dây hợp tác phát triển du lịch giữa ta và một nơi nào đó.
Những sự trục trặc nhất định mà ngành du lịch Việt Nam đã phải hứng chịu trong năm qua, liên quan đến việc đón khách du lịch quốc tế từ thị trường Trung Quốc và Nga, cho thấy mở hướng thị trường du lịch mới là việc làm cần thiết, đúng đắn, đáng được quan tâm. Việc tăng cường hợp tác, xúc tiến và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tại Ấn Độ, Đông Bắc Á, Tây Âu… trong thời gian gần đây là những bước đi thích hợp đầu tiên trong hành trình dài sắp tới của ngành du lịch nhằm mở rộng thị trường, góp phần hiện thực hóa quan điểm Việt Nam muốn làm bạn với tất cả. Trong hành trình vừa củng cố mối quan hệ hợp tác phát triển du lịch với các thị trường quen thuộc, vừa mở thị trường mới, điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao năng lực của ngành, khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách bằng một hệ thống sản phẩm vừa đa dạng, phong phú vừa mang tính riêng có. Đó là gốc của vấn đề, bởi muốn quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam hấp dẫn thì trước nhất chúng ta phải có được hình ảnh hấp dẫn đó, như người ta nói là "có bột mới gột nên hồ". Nói khác đi, chúng ta phải tạo bằng được một nền tảng vững mạnh, làm sao có được bàn đạp đủ vững để trên cơ sở đó thực hiện các giải pháp quảng bá, xúc tiến, hướng tới mục tiêu tạo lực hấp dẫn bền vững thực sự cho hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.
Việc mở rộng thị trường du lịch mang ý nghĩa chiến lược đối với ngành du lịch, bởi vậy, công tác triển khai thực hiện phải dựa trên hệ giải pháp được xây dựng bài bản, có sự cộng đồng trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành liên quan, lộ trình chặt chẽ, theo nguyên tắc ưu tiên tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, những vấn đề gây bức xúc. Lộ trình ấy bắt đầu từ tạo dựng và hoàn thiện nền tảng bởi thực tế cho thấy du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế: Du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa chưa phát triển tương xứng với nguồn tài nguyên giàu có mà chúng ta đang nắm quyền sở hữu; hoạt động du lịch thiếu tính chuyên nghiệp; sự phối hợp mang tính liên ngành còn hạn chế cả về phối hợp phát triển du lịch nói chung cũng như quản lý điểm đến… Những điểm hạn chế này cần được khẩn trương khắc phục, tạo cơ sở phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có trách nhiệm, sức cạnh tranh cao.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng nên hiển nhiên là nhiệm vụ giải quyết hạn chế của du lịch Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào nhiều bên chứ không chỉ có một ngành du lịch. Mục tiêu phát triển có thành hiện thực hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố: sự đồng thuận hướng tới mục tiêu chung của chính quyền các cấp, trách nhiệm phối hợp giữa các ngành liên quan, quan điểm kinh doanh văn minh của các doanh nghiệp du lịch, sự ủng hộ của cộng đồng… Khi trách nhiệm của các bên được phát huy hiệu quả, du lịch Việt Nam mới có điều kiện khẳng định thương hiệu đích thực và việc mở hướng thị trường mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.