(HNMO) - Tại "Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam" diễn ra sáng 23-4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức giới thiệu Nền tảng Công chứng trực tuyến (CCOL) của Công ty cổ phần Dịch vụ công chứng trực tuyến.
Nền tảng Công chứng trực tuyến là hệ thống đầu tiên và duy nhất thực hiện chức năng kết nối khách hàng và các tổ chức cung cấp dịch vụ công chứng trên cả nước với định hướng thực hiện trọn vẹn các dịch vụ công chứng trên môi trường trực tuyến. Đồng thời, cho phép các tổ chức cung cấp dịch vụ công chứng có thể thực hiện quản trị hoạt động của tổ chức mình như một doanh nghiệp độc lập.
Tại sự kiện, ông Trần Quốc Bảo, Giám đốc công ty cho biết, hệ thống CCOL cho phép người dùng lựa chọn công chứng viên và giao hồ sơ để các công chứng viên thẩm định, chuẩn bị trước khi mang bản chính đến để công chứng viên kiểm - chiếu, mà vẫn bảo đảm tuân thủ Luật Công chứng. Các bên bắt buộc phải ký trước mặt công chứng viên. Bên cạnh đó, hệ thống CCOL cho phép người dùng đánh giá công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng để từ đó, hệ thống sẽ tư vấn cho người dùng lựa chọn các công chứng viên, tổ chức hành nghề được người dùng đánh giá chất lượng phục vụ tốt nhất...
Đánh giá về nền tảng này, đại diện Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hệ thống bước đầu sẽ giúp người dân, doanh nghiệp hạn chế việc phải đi lại nhiều lần đến các địa điểm công chứng khi hồ sơ chưa đầy đủ, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Đồng thời, trong giai đoạn dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, giải pháp này giúp tránh tụ tập đông người, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng. Hệ thống cũng giúp các cơ quan nhà nước thực hiện công tác giám sát nhanh chóng theo thời gian thực để có thể giám sát, định hướng quản trị hoạt động công chứng trên địa bàn một cách nhanh và trực quan nhất.
Việc ra mắt Nền tảng Công chứng trực tuyến là là sự kiện thứ ba trong chuỗi chương trình "Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam" - hoạt động tiếp nối của chuỗi sự kiện "Ngày thứ sáu công nghệ" được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm ra mắt các nền tảng, sản phẩm, giải pháp công nghệ Make in Vietnam phục vụ quá trình chuyển đổi số, kể từ năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.