(HNMO) – Sáng 4/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật giáo dục đại học, các đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, dự luật còn quá nhiều điều giao Chính phủ, Thủ tướng quy định, gây khó khăn trong thực hiện và có thể tạo kẽ hở.
Trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật giáo dục đại học (ĐH), các đại biểu tập trung góp ý về cơ cấu tổ chức cơ sở giáo dục ĐH; quyền tự chủ của cơ sở trong các hoạt động; xã hội hóa giáo dục ĐH; đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH; giảng viên, cán bộ giáo dục ĐH và người học; quản lý Nhà nước về giáo dục ĐH.
Theo đại biểu Bùi Thị An, sự ra đời của dự án Luật giáo dục ĐH là cần thiết, nhưng Bộ GD ĐT nên có đánh giá lại chất lượng giáo dục ĐH thời gian qua, nhất là từ năm 2005 đến nay, cả về số lượng, quy mô các trường được thành lập mới, nâng cấp, nguyên nhân chủ yếu khiến chất lượng đào tạo kém…
“Vừa rồi chúng ta cho nâng cấp các trường ồ ạt và thành lập các trường mới cũng hơi vội vàng”, đại biểu An nhận xét.
Theo đại biểu An, trong các nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo ĐH yếu kém có nguyên nhân từ quản lý nhà nước. Do đó, việc nâng cao năng lực quản lý của từng trường cần phải được quan tâm. Đặc biệt, ở các trường dân lập, cần thành lập Hội đồng nhà trường bên cạnh Hội đồng quản trị.
Băn khoăn việc dự án Luật giáo dục ĐH là luật khung nhưng giao Chính phủ, Thủ tướng quy định quá nhiều điểm là tâm tư của đại biểu Nguyễn Đình Quyền.
“Tôi đã rà soát dự luật và thấy những điểm luật giao Thủ tướng quy định hầu hết không thuộc thâm quyền của Thủ tướng mà là của Chính phủ”, đại biểu Quyền nói.
Đại biểu Quyền cũng cho rằng, việc quy hoạch trường ĐH thời gian qua là rất bất hợp lý mà vẫn để xảy ra.
“Tình trạng “tỉnh tỉnh, nhà nhà, ngành ngành” đi làm trường đại học như vừa qua là rất bất hợp lý, nhất là trong giai đoạn hiện nay ,chúng ta đang cần tăng cường hơn nữa chất lượng đào tạo”, đại biểu Quyền nhận xét.
Theo đại biểu Quyền, luật không nên giao Chính phủ, Thủ tướng quy định tất cả các tiêu chí của quy hoạch về phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH mà nên để Quốc hội quyết, còn Chính phủ ban hành, bởi nếu không sẽ khó kiểm soát chặt và dễ tạo kẽ hở.
Đại biểu Quyền cũng đề nghị, nên loại bỏ các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, vốn... ra khỏi luật chuyên ngành, bởi nếu không, những điểm này sẽ phá vỡ chính sách pháp luật về thuế, đất đai và không đảm bảo sự thống nhất trong hoạch định chính sách.
Tán thành với nhận định của đại biểu Quyền, đại biểu Phạm Huy Hùng cũng nhận xét, trong dự luật có một số điều còn chung chung, giao Chính phủ quy định nhiều dẫn đến khó khăn trong thực hiện.
Để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, đại biểu Hùng đề nghị cần quy định các tiêu chuẩn cứng với chức danh hiệu trưởng, nhất là về năng lực, đồng thời nên thành lập tổ chức kiểm định giáo dục chất lượng trực thuộc Hiệp hội các trường đại học và các trường phải tham gia.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến là về kiểm định chất lượng giáo dục ĐH.
Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Nga, Nguyễn Phi Thường, luật giáo dục ĐH nên quy định kiểm định bắt buộc với tất cả các trường để cải thiện chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội. Tuy nhiên, hoạt động kiểm định phải được tiến hành độc lập, công bằng, tránh nể nang.
Dự án luật giáo dục ĐH sẽ tiếp tục được các đại biểu thảo luận tại Hội trường vào ngày 14/11 tới.
* Cũng trong sáng nay, dự luật Quảng cáo cũng được các đại biểu cho ý kiến tại đoàn. Các đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, một số điều khoản trong dự luật còn mang tính trừu tượng, rất khó định lượng, cần phải cụ thể hóa hơn; có những quy định quá chặt chẽ, nhưng lại có những quy định quá lỏng lẻo, không khả thi. Đặc biệt, dự luật cần quan tâm đảm bảo tính cân đối giữa các quy định về quyền lợi của người quảng cáo, nhà sản xuất, nhà kinh doanh hoạt động quảng cáo với những người tiếp nhận thông tin quảng cáo.
Các đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề nghị, làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc cấp phép quảng cáo với những sản phẩm bắt buộc; không nên bỏ quy định cấp giấy phép với quảng cáo ngoài trời, dù có quy hoạch. Đồng thời, cần chú ý tới một số loại hình quảng cáo dịch vụ như bảo vệ, luật sư, vệ sĩ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.