(HNM) - Loạt dự báo kinh tế thế giới cho rằng 2023 sẽ là một năm ảm đạm trong bối cảnh nguy cơ suy thoái ngày càng tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, nếu vận dụng và ứng phó tốt trước những yếu tố mang tính chi phối, các kịch bản xấu đối với kinh tế toàn cầu vẫn có thể được ngăn chặn trong năm nay.
Lúc này, thế giới vẫn đang "nín thở" theo dõi cuộc xung đột ở Ukraine - sự kiện đã gây sự gián đoạn đáng kể, khiến thị trường lương thực và năng lượng trở nên bất ổn, đồng thời khiến giá cả hàng hóa tăng vọt sau đại dịch Covid-19. Hệ quả là, nền kinh tế toàn cầu đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất kể từ những năm 1970. Cú sốc năng lượng này cũng góp phần đẩy lạm phát lên mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới.
Cùng với đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được dự đoán sẽ trở nên sâu sắc hơn cả về chiều rộng và chiều sâu, tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới. Hiện nay, Mỹ mong muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về hạ tầng viễn thông, sản xuất bán dẫn và nhiều lĩnh vực gia công, trong khi nhiều đồng minh của xứ Cờ hoa không ngừng tìm cách tự chủ nguồn nguyên liệu thô… Những mong muốn này dẫn tới hệ quả tất yếu là sự sắp xếp lại toàn diện chuỗi cung ứng, gây những bất ổn nhất thời trong hoạt động sản xuất trên toàn cầu.
Một thách thức khác trong năm 2023 là làn sóng khó khăn mà các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển sẽ phải đối mặt, chủ yếu do lãi suất cao kéo dài suốt cả năm, nghĩa vụ nợ và có thể là cả tình hình tăng trưởng yếu hơn ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Theo Bloomberg, các đợt tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái. Xu hướng này có thể đẩy nền kinh tế Mỹ nói riêng và nhiều nền kinh tế phụ thuộc khác vào cuộc suy thoái dài và sâu nếu không có sự chỉnh kịp thời.
Ngoài khó khăn mang tính chủ quan nêu trên, tác động từ biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức lớn, mang tới nhiều thiệt hại bởi thời tiết cực đoan, thiên tai, hạn hán, cháy rừng... Theo tổ chức nghiên cứu khoa học Climate Central, đã có tới 7,6 tỷ người, tương đương 96% dân số thế giới, chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trong năm 2022. Cùng kỳ, Công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới Munich Re (Đức) ghi nhận tổng thiệt hại do các thảm họa tự nhiên được bảo hiểm chi trả là khoảng 120 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, việc các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu (COP27) tại Ai Cập hồi tháng 11-2022 đã không đạt được tiến triển đáng kể so với COP26 trước đó trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là một điều đáng tiếc.
Dĩ nhiên, bức tranh kinh tế thế giới trong năm mới không chỉ nhuốm màu ảm đạm. Một điểm sáng là mức tăng trưởng đáng kể của Trung Quốc (ước đoán khoảng 9%). Hiện, quốc gia đông dân nhất thế giới đã dần vượt qua làn sóng lây nhiễm Covid-19, tạo điều kiện phục hồi hoạt động kinh doanh và tiêu dùng, mở cửa cho du lịch, từ đó không chỉ ngăn nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái mà trái lại thúc đẩy tăng trưởng ở nhiều khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á. Một số dự đoán cũng kỳ vọng, FED có thể "hạ cánh mềm" và thời tiết ấm áp có thể giúp châu Âu nhanh chóng thoát khỏi suy thoái. Nhờ thế, Mỹ và EU có thể sẽ trải qua các đợt suy thoái tương đối ngắn, không quá nghiêm trọng và có thể tăng trưởng trở lại sớm nhất vào quý IV-2023.
Nhìn chung, trong bối cảnh khó khăn còn tiềm ẩn nhiều biến số, việc ứng phó sẽ cần tới sự linh hoạt và nhiều kịch bản đa dạng, để không chỉ giải quyết các khó khăn hợp lý mà còn có thể dự báo và ngăn chặn được rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu từ sớm, từ xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.