(HNM) - Trái với những dự báo lo ngại được nhiều cơ quan tài chính đưa ra, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tránh được đà suy giảm vào quý IV-2022 và ghi nhận mức tăng trưởng 0,1%. Mặc dù đây chỉ là con số rất khiêm tốn, song trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá năng lượng leo thang và lạm phát liên tục ghi nhận những mức cao kỷ lục, việc Eurozone thoát khỏi suy thoái là thông tin gây bất ngờ.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tăng trưởng tại Eurozone năm 2022 đạt 3,5%, cao hơn mức 3% của Trung Quốc và 2,1% của Mỹ. 3 nền kinh tế lớn của châu Âu là Đức, Pháp và Italia cũng tránh được rơi vào suy giảm trong năm nay, khi tăng trưởng của châu Âu tốt hơn dự báo.
Cơ quan Thống kê quốc gia Italia (ISTAT) cho biết, dù Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV-2022 của nước này giảm so với quý III, song vẫn đạt tăng trưởng ở mức 1,7%. Tương tự Italia, GDP quý IV-2022 của Đức cũng suy giảm và chỉ đạt mức tăng trưởng 0,3%, song nước này đã tránh được kịch bản xấu nhất về suy thoái kinh tế sau khi rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng do Nga cắt nguồn cung khí đốt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu cũng ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế đầu tàu của châu Âu. Một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế Đức trong năm 2022 chính là lĩnh vực tiêu dùng cá nhân. Từ đầu năm 2022, hầu hết các hạn chế về phòng dịch Covid-19 đều được dỡ bỏ, khiến tiêu dùng cá nhân tăng lên. So với năm 2021, lĩnh vực tiêu dùng năm 2022 đã tăng 4,6% và gần như đạt mức trước khủng hoảng (năm 2019). Trong khi đó, số liệu sơ bộ về GDP của Pháp vừa được công bố cho thấy, nền kinh tế đã ghi nhận tăng trưởng 0,1% trong quý IV-2022, nhờ xuất khẩu tăng. Xét cả năm 2022, nền kinh tế Pháp đã ghi nhận tăng trưởng 2,6%.
Những chỉ số vừa được thông báo giúp giới đầu tư có tầm nhìn lạc quan hơn về bức tranh kinh tế của châu Âu trong năm 2023 dù Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo 1/3 số nền kinh tế trên thế giới rơi vào suy thoái và kinh tế toàn cầu chỉ tăng 1,7% trong năm nay. Số liệu khảo sát doanh nghiệp do Hãng tài chính S&P Global công bố mới đây cũng cho thấy, hoạt động kinh doanh tại 20 nước sử dụng đồng euro đã nhích lên. Sức ép chuỗi cung ứng đối với các nhà sản xuất trong khu vực đang có dấu hiệu dịu đi. Tốc độ lạm phát giảm nhanh hơn dự báo ở khắp các nền kinh tế châu Âu, từ Đức tới Pháp hay Tây Ban Nha. Nguyên nhân là do giá khí đốt “hạ nhiệt” và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ phát huy tác dụng. Trong tháng 1, có thời điểm giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan - giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu - giảm về ngưỡng 65 euro/megawatt giờ, thấp hơn 80% so với mức kỷ lục thiết lập vào tháng 8-2022, thời điểm giá khí đốt ở châu Âu đạt 342 euro/megawatt giờ. Mức giá khí đốt này thấp hơn cả trước khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine. Ủy viên Kinh tế Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni thông tin: “Mặc dù tình hình kinh tế của khối vẫn chưa chắc chắn nhưng đã có một số tín hiệu đáng khích lệ. Chúng tôi đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng, giá mặt hàng này giảm đáng kể và lạm phát đã đạt đỉnh cuối năm 2022. Vì vậy, có cơ hội để châu Âu tránh được suy thoái sâu và có thể bước vào một giai đoạn kinh tế giảm chậm lại và hạn chế hơn”.
Mới đây, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo, kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 0,6% trong năm 2023. Tuy nhiên, những thách thức mà kinh tế châu Âu phải đương đầu là khủng hoảng năng lượng và chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ tiếp tục đeo bám khu vực. Vì vậy, nguy cơ nền kinh tế đảo chiều đi xuống vẫn luôn thường trực khu vực này cho tới năm 2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.