Theo dõi Báo Hànộimới trên

NATO điều quân đội áp sát biên giới Nga: Trấn an hay răn đe?

Hoàng Linh| 26/01/2017 06:45

(HNM) - 1.200 binh lính đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tới căn cứ hải quân Klaipeda của Litva trong bối cảnh những lo ngại về an ninh trong khu vực tăng cao. Cùng với đó, hơn 100 binh sĩ và khoảng 60 thiết bị quân sự của Bỉ cũng được điều tới căn cứ hải quân Klaipeda trên biển Baltic,

Sự hiện diện tăng cường của NATO tại Litva đã khiến căng thẳng với Nga leo thang.



Thực tế, bản thân Litva tỏ ra khá căng thẳng trong thời gian qua. Ngay sau sự kiện Nga sát nhập Crimea năm 2014, hằng năm quốc gia này đều tăng chi tiêu quốc phòng thêm hơn 30% và đạt mức 725 triệu euro vào thời điểm hiện tại. Hôm 17-1, cùng với việc công bố chi tới 3,6 triệu euro cho việc xây hàng rào thép gai ngăn cách với Nga, Litva cùng với đồng minh NATO khác là Estonia đã ký các thỏa thuận quân sự với Mỹ. Thậm chí, mới đây quốc gia Đông Âu này cũng mở thêm trại huấn luyện quân sự rộng 15ha với tổng đầu tư lên tới 5 triệu euro nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho chiến thuật chiến tranh đường phố với mục tiêu “đẩy lùi những cuộc tấn công có thể xảy ra từ phía Nga”. Căn cứ nằm tại Pabrade này có đầy đủ các hạ tầng thiết yếu như một đô thị hoàn chỉnh. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Litva Juozas Olekas khẳng định hiện nay ngoài nước này thì chưa một quốc gia nào ở vùng Baltic có cơ sở huấn luyện tương tự như vậy, đồng thời khuyến khích các nước láng giềng như Latvia hay Estonia mang quân đội tới tập luyện.

Lo ngại leo thang trong tâm lý các nước vùng Baltic theo kiểu như vậy được xem là lý do chính cho phép NATO "thoáng tay" hơn trong việc triển khai quân đội nhằm trấn an nỗi lo ngại của các nước trong khu vực này cũng như Ba Lan trước nguy cơ về xung đột vũ trang trong tương lai gần. Ngoài lực lượng mới triển khai tại Litva, Đơn vị lực lượng hỗn hợp NATO (NFIU) đã được triển khai tại Slovakia cùng trong ngày 24-1. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Peter Gajdos, đơn vị mới này sẽ đóng góp vào hoạt động phòng thủ tập thể tại Châu Âu, đồng thời giúp tăng cường an ninh cho người dân và đất nước Slovakia vốn được xem là một ưu tiên tuyệt đối. Lực lượng đồn trú tại Doanh trại Vajnory gần Bratislava này cũng sẽ tăng cường cho các đơn vị tương tự khác tại Bulgaria, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan và Romania trong trường hợp có tình huống bất thường xảy ra. Mỹ cũng liên tục có những hành động quân sự gần đây nhằm kiềm chế sự đe dọa và ảnh hưởng của Nga đối với chiến lược của Washington ở vùng Baltic. Những bước đi như vậy của Mỹ và NATO đã buộc Nga không thể ngồi yên. Mátxcơva đã phải có hàng loạt hành động nhằm sẵn sàng đối phó, điển hình như triển khai tên lửa Iskander tới Kaliningrad hay thường xuyên diễn tập quân sự ở khu vực Baltic. Thậm chí, trong ngày 22-1 vừa qua, Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Nga còn khẳng định Mátxcơva sẽ không thể rút tên lửa khỏi Kaliningrad chừng nào các tên lửa của NATO còn đang hiện diện ở Châu Âu.

Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Nga và NATO vẫn trong giai đoạn đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Trong khi NATO ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine, Mátxcơva kiên quyết bác bỏ điều này. Tuy nhiên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga. Đây là động thái đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga - NATO, theo đó quy định NATO không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên mới nằm sát Nga.

Tuy nhiên, lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến nhiều học giả kỳ vọng vào khả năng xoay chuyển tình hình theo chiều hướng tích cực hơn. Ngay từ khi tranh cử, ông chủ Nhà Trắng đã có nhiều tuyên bố tốt đẹp về Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như về nước Nga. Sau khi giành chiến thắng, ông cũng liên tục lặp lại quan điểm muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Tỷ phú bất động sản cũng thể hiện những lập trường rất “hợp ý” Nga về nhiều vấn đề như NATO, Liên minh Châu Âu (EU). Đây có thể được xem là nhân tố quan trọng hướng tới khả năng "tan băng", tiến tới một mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Nga với Mỹ cũng như với NATO trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NATO điều quân đội áp sát biên giới Nga: Trấn an hay răn đe?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.