(HNM) - “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng” được kỳ vọng sẽ nâng tầm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
Các vấn đề liên quan đạo đức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên luôn được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.Ảnh: Bá Hoạt |
Hoàn thiện dự thảo Quy định trước khi ban hành
Kết luận Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Dự thảo đã được chuẩn bị công phu, vừa có tính khái quát, vừa cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp bằng văn bản của Trung ương để hoàn thiện và sớm ban hành Quy định.
Dự thảo “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng” đã được Ban Tổ chức Trung ương chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng trong suốt 9 tháng trước khi trình Hội nghị Trung ương 8 khóa XII. Việc xây dựng Quy định dựa trên quá trình nghiên cứu tổng kết, rút kinh nghiệm từ những quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã có; từ đó khắc phục hạn chế, phát huy tinh thần đổi mới, hướng tới một quy định có tính khả thi, hiệu quả.
Dự thảo Quy định trình Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã xin ý kiến qua nhiều vòng, hoàn thiện từng bước tỉ mỉ. Đúng như đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương, dung lượng của dự thảo Quy định rất ngắn gọn, chỉ có 3 trang, 4 điều; nhấn mạnh tinh thần là đảng viên phải chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Đảng. Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu. Trong đó, dự thảo Quy định nêu 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.
Tại Hội nghị lần thứ tám, các Ủy viên Trung ương Đảng đã dành sự quan tâm sâu sắc đến dự thảo này. Đồng chí Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) cho biết, đã có tổng cộng 148 ý kiến góp ý cả trực tiếp và bằng văn bản cho dự thảo Quy định tại hội nghị. Với sự coi trọng đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị chỉ đạo tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy định trước khi ban hành. Theo đồng chí Vũ Thanh Sơn, cùng với việc xin ý kiến Bộ Chính trị, dự thảo Quy định sẽ được xin ý kiến thêm một lượt các Ủy viên Trung ương Đảng trước khi ban hành.
Phải gắn với việc kiểm tra, giám sát của nhân dân
Sự cẩn trọng, kỹ càng trong từng chi tiết của Trung ương Đảng khi xây dựng dự thảo cho thấy tầm quan trọng, ý nghĩa của “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Điều này đã tạo lòng tin, đáp ứng kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Là đại biểu chính thức tham gia Hội nghị Trung ương 8 và góp ý cho dự thảo Quy định, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, nêu gương là một phương thức lãnh đạo của Đảng. Việc nêu gương của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng còn là hình ảnh, uy tín của Đảng. Nên quy định mới về trách nhiệm nêu gương cần phải thật rõ ràng để cán bộ, đảng viên luôn ghi nhớ, vận dụng vào rèn luyện, phấn đấu hằng ngày. “Tôi mong rằng, nội dung trong Quy định mới sẽ được hoàn chỉnh theo hướng cụ thể, tránh chung chung. Đó phải là những tiêu chí có ý nghĩa như cam kết chính trị của cán bộ, đảng viên với nhân dân”.
Đồng chí Trần Viết Lưu, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, mỗi người đảng viên đều đảm đương một lúc hai vai: Một vai là phụng sự nhân dân, vai thứ hai là lãnh đạo nhân dân. Nếu mỗi người làm được hạt nhân, nêu gương sáng thì sức lan tỏa sẽ tới “hang cùng ngõ hẻm” trong đời sống. Đồng chí khẳng định, nội dung quy định mới và cách thức tổ chức thực hiện phải nhằm nâng tầm, nâng cấp các quy định về trách nhiệm nêu gương hiện hành; thúc đẩy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới. Trong đó, phải gắn với sinh hoạt chi bộ hằng tháng, xem xét, đánh giá thường xuyên.
Phát huy vai trò giám sát của nhân dân cũng là mong muốn, kiến nghị của hầu hết những chuyên gia, nhà nghiên cứu về những giải pháp thực hiện Quy định mới. Theo nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự kiểm tra của các cơ quan chức năng và đặc biệt là sự giám sát của nhân dân là những yếu tố căn bản bảo đảm việc thực hiện quy định mới hiệu quả. Đồng chí nhấn mạnh: “Nếu không có sự kiểm tra, giám sát của nhân dân thì tất cả chỉ là khẩu hiệu”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.