Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng tầm thương hiệu cho nông sản

Ngọc Quỳnh| 28/02/2022 06:16

(HNM) - Ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp với các địa phương xây dựng thương hiệu cho những mặt hàng nông sản có lợi thế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân mà còn thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn... Tuy nhiên, để có nhiều thương hiệu nông sản Việt Nam đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế, còn nhiều việc phải làm.

Gạo thơm Bối Khê (huyện Thanh Oai) là một trong những sản phẩm đã xây dựng nhãn hiệu nông sản, được bảo hộ. Ảnh: Quang Thái

Giá trị tăng cao từ xây dựng thương hiệu

Hiện nay, các hợp tác xã, doanh nghiệp không chỉ chú trọng chất lượng sản phẩm mà còn đầu tư vào bao bì, nhãn mác và giảm giá thành sản phẩm. Nhờ vậy, nhiều mặt hàng nông sản Việt đã nâng cao giá trị, định hình được thương hiệu trên thị trường. Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) Vũ Thị Lệ Thủy cho biết: "Cam 3T của hợp tác xã được trồng theo hướng hữu cơ và khi thu hoạch chỉ có 8-10% lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ cũng như chất lượng, được dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi đóng gói bán ra thị trường. Nhờ có thương hiệu và bảo đảm chất lượng nên cam 3T hiện có giá 450.000 đồng/hộp 12 quả. Dù giá bán rất cao nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận".

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Mai, để tạo nên thương hiệu sữa Ba Vì với đặc trưng riêng có, ngoài kiểm soát chăn nuôi theo quy trình an toàn, bảo đảm chất lượng nguyên liệu "đầu vào", doanh nghiệp còn chứng minh đầy đủ hồ sơ sản phẩm và xuất xứ hàng hóa. Hiện tại, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến để chế biến khoảng 1 tấn sữa tươi/ngày, bảo đảm đủ điều kiện xuất khẩu.

Về việc xây dựng thương hiệu nông sản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản thông tin, hiện cả nước có 60 mặt hàng nông sản đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và hơn 160 nhãn hiệu đăng ký xác lập quyền và được bảo hộ pháp lý. Một số sản phẩm được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài như: Nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận… Khi sản phẩm nông nghiệp xây dựng được thương hiệu, giá trị hàng hóa thường cao gấp 2-3 lần so với khi chưa có thương hiệu.

Ở góc độ địa phương, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thành phố Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu nông sản, như: Nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai); gạo thơm Bối Khê (huyện Thanh Oai); sữa Ba Vì, gà đồi Ba Vì... Các sản phẩm có nhãn hiệu được bảo hộ và ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, tiêu thụ ổn định ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân.

Đóng gói sản phẩm cam tại Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: Thủy Vũ

Thương hiệu quốc gia cho nông sản xuất khẩu

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng thực tế cho thấy, số lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn hạn chế. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2021 của Việt Nam đạt hơn 48,6 tỷ USD, nhưng mới chỉ chiếm gần 2% giá trị nhập khẩu nông, lâm sản của thế giới. Đáng nói, hiện có tới 90% lượng nông sản được xuất khẩu ở dạng thô, sử dụng thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản xuất khẩu chủ lực là vấn đề vô cùng quan trọng.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit Nguyễn Lâm Viên, doanh nghiệp phải luôn làm mới để thương hiệu của mình phát triển bền vững. Và để xây dựng được thương hiệu, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chủ động nguồn nguyên liệu "đầu vào", sản xuất sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao, giá thành ổn định.

Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng cho biết, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu rất có ý nghĩa với người nông dân, doanh nghiệp và người sử dụng sản phẩm. Để xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu, các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý... đối với nông sản xuất khẩu. Có như vậy, nông sản Việt mới đứng vững trên thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các thương hiệu nông sản đặc trưng của Hà Nội gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bằng nhiều giải pháp như: Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký thương hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm; tập trung cấp mã số vùng trồng cho một số nông sản (nhãn chín muộn, chuối, lúa chất lượng cao...) bảo đảm quy chuẩn chất lượng xuất khẩu.

Để mở rộng thương hiệu nông sản quốc gia, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay, Bộ NN&PTNT đang triển khai Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030 (Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 5-2-2021), trong đó bao gồm kế hoạch xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực. Bộ NN&PTNT cũng sẽ tăng cường phối hợp với địa phương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng: Hạt điều, chè, cà phê...; xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ… đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Có thể nói, việc nâng tầm giá trị, phát triển thương hiệu nông sản Việt gắn với khai thác yếu tố vùng miền không chỉ giúp các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần nâng cao đời sống người nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm thương hiệu cho nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.