Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng tầm nhìn quy hoạch để đáp ứng yêu cầu phát triển

Hà Phong| 27/05/2017 07:21

(HNM) - Để thực thi Luật Quy hoạch, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nâng thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.


Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường. Ảnh: Nhật Nam


Ngăn ngừa "lợi ích nhóm"

Trước khối lượng công việc lớn, các đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tiến độ thực hiện khi phải điều chỉnh hàng loạt luật hiện hành và rà soát, tích hợp hàng nghìn quy hoạch đang có. Nhận định quy hoạch là công cụ quản lý liên quan đến sự vận hành của mỗi ngành, đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên) đề nghị cần thận trọng khi đề xuất sửa đổi các nội dung liên quan. Từng lĩnh vực cần có sự trao đổi lấy ý kiến các bộ, ngành chịu sự tác động trước khi quyết định. Các đại biểu: Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương), Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình), Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, danh mục các quy định về quy hoạch cần sửa đổi chưa được liệt kê thời điểm sửa cụ thể. Ngoài ra, cũng chưa có cơ sở để khẳng định, trong giai đoạn tới chỉ sửa 32 luật hay nhiều hơn; đến khi sửa đổi các luật, đáp ứng tình hình phát triển của đất nước, lúc đó liệu Luật Quy hoạch có còn phù hợp với các luật sửa đổi hay không? Để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của dự án luật, các đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ các luật, điều luật cũng như lộ trình sửa đổi.

Lưu ý cả nước có hơn 19 nghìn bản quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực, trong đó nhiều bản quy hoạch sau khi lập xong không có giá trị thực tế, thậm chí còn kéo lùi sự phát triển, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) đề nghị, để ngăn ngừa "lợi ích nhóm" có thể xảy ra, trong quá trình sửa luật cần bổ sung cơ chế bảo đảm nguyên tắc tính khoa học, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng nguồn lực trong hoạt động quy hoạch. Các sản phẩm làm ra phải bảo đảm phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi trường và phát triển cân đối liên kết giữa các vùng, miền.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Quý (Đoàn Hưng Yên), Luật Quy hoạch đô thị đã quy định tầm nhìn đến 50 năm và thời hạn lập quy hoạch là từ 20 đến 25 năm, riêng thị trấn là từ 10 đến 15 năm. Do vậy, để cập nhật với xu thế chung của quốc tế cũng như để đáp ứng nhu cầu phát triển, đại biểu đề nghị điều chỉnh lại thời kỳ quy hoạch từ 10 đến 20 năm thay vì quy định 10 năm như dự thảo luật. Tầm nhìn của chúng ta từ 30 đến 50 năm thay vì quy định dự thảo luật là 20 năm. Đặc biệt, "quy hoạch tổng thể cần có tầm nhìn xa, định hướng ổn định; cấp quốc gia cần tầm nhìn 30 năm, cấp vùng, cấp tỉnh tầm nhìn 20 năm” - đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn Cần Thơ) nêu ý kiến.

Rõ trách nhiệm với quy hoạch "treo"

Việc ứng xử với những quy hoạch, nhất là những quy hoạch chồng chéo, vô lý đã tồn tại trong suốt thời gian qua cũng là vấn đề được đặt ra trong quá trình góp ý hoàn thiện dự án Luật Quy hoạch. Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) phân tích, Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 và đến 31-12-2020 sẽ hoàn thành các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Trong khoảng thời gian hai năm, cần đặt vấn đề về việc quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan, xác định rõ trách nhiệm và phân cấp cụ thể. Nêu lên những bất cập hiện nay như quy hoạch chồng lấn, không phù hợp với quy luật cung - cầu của thị trường..., các đại biểu: Lê Công Đỉnh (Đoàn Long An), Nguyễn Bắc Việt (Đoàn Ninh Thuận) đề nghị, bên cạnh việc siết chặt công tác quy hoạch, cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch "treo".

Dự phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp tục xem xét, rà soát các luật và điều luật có liên quan để sửa đổi cho thống nhất. Trong quá trình xây dựng luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, soạn thảo đã làm việc với những đơn vị có ý kiến khác nhau, từ đó thống nhất, tới đây những quy hoạch đã được duyệt, nếu còn phù hợp sẽ thực hiện đến hết thời kỳ quy hoạch; nếu không còn phù hợp sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch.

Để tránh lãng phí nguồn lực, hạn chế chồng chéo, đối với các sản phẩm có gắn với việc sử dụng nguồn tài nguyên sẽ không lập quy hoạch sản phẩm mà chỉ lập quy hoạch sử dụng nguồn tài nguyên (ví dụ đối với sản phẩm xi măng, sẽ không lập quy hoạch sản phẩm xi măng, chỉ lập quy hoạch nguồn tài nguyên đá vôi). Đối với các sản phẩm cụ thể, việc quản lý đối với những ngành sản phẩm sẽ theo hướng, sử dụng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đặc biệt là nhiệm vụ cung cấp thông tin, tín hiệu, xu hướng thị trường… Các nội dung này sẽ do các ngành tự xác định và sẽ được bổ sung trong quá trình sửa đổi các quy định hiện hành về quy hoạch. Những quy hoạch được tích hợp, phê duyệt phải thực hiện hết thời kỳ quy hoạch mới chuyển sang thực hiện theo quy hoạch mới. Toàn bộ quy hoạch ngành, một số quy hoạch sản phẩm sẽ hết hiệu lực ngay khi dự án Luật Quy hoạch có hiệu lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, 27 ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Quy hoạch rất sâu sắc và toàn diện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật để bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ, hợp lý và logic trước khi trình Quốc hội thông qua.

Không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu

Thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Quốc hội cần nhanh chóng ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Dù đã triển khai quyết liệt trong 5 năm qua, chúng ta mới giải quyết được khoảng 50% nợ xấu và hiện còn khoảng 400 nghìn tỷ đồng nợ xấu và đây là những khoản khó giải quyết. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, phải xem xét thật kỹ, tránh các kẽ hở, dẫn đến tình trạng lách luật để trục lợi.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) băn khoăn khi tính khả thi của Nghị quyết phụ thuộc nhiều vào khâu tổ chức thực hiện. Để đại biểu Quốc hội có căn cứ đầy đủ, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức trong quá trình thực hiện; về phía cơ quan thực thi cần có cam kết cụ thể thực hiện trong 5 năm sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Đoàn Cao Bằng) đặt câu hỏi: "Dự thảo Nghị quyết này giải quyết đến ngày 31-12-2016, nhưng theo tôi, nợ xấu dễ phát sinh bởi có kinh doanh là có nợ xấu. Vậy, Nghị quyết có giải quyết được 100% nợ xấu không, nếu không giải quyết được sẽ xử lý ra sao?". Còn đại biểu Nguyễn Hồng Diên (Đoàn Thái Bình) cho rằng, mục tiêu ban hành Nghị quyết là xử lý triệt để khoản nợ xấu. Nếu sau ngày 31-12-2016, các tổ chức tín dụng phải tự giải quyết và đề nghị nguyên tắc xử lý nợ xấu không dùng ngân sách nhà nước...

Thanh Hải

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm nhìn quy hoạch để đáp ứng yêu cầu phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.