Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nắng nóng ở Ấn Độ: Gia tăng gánh nặng cho nền kinh tế

Thùy Dương| 23/04/2023 07:43

(HNM) - Theo một nghiên cứu công bố mới đây, các đợt nắng nóng khắc nghiệt đang làm gia tăng gánh nặng đối với nhiều ngành kinh tế của Ấn Độ. Điều này tạo ra không ít khó khăn cho Ấn Độ trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang nỗ lực duy trì tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) hậu đại dịch Covid-19 và vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Người dân đi qua một hồ khô cạn trong ngày hè nóng bức ở làng Bandai, quận Pali thuộc bang Rajasthan, Ấn Độ.

Không chỉ là quốc gia phát thải khí nhà kính khổng lồ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng Ấn Độ cũng là một trong những đất nước dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu.

Trong nghiên cứu mới được công bố ngày 19-4, nhóm học giả do ông Ramit Debnath thuộc Đại học Cambridge (Anh) làm chủ nhiệm, cho biết từ năm 1992, nắng nóng đã cướp đi sinh mạng của hơn 24.000 người, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí và đẩy nhanh tốc độ tan băng ở khu vực miền Bắc Ấn Độ. Nghiên cứu cũng lưu ý Ấn Độ đang đối mặt với hàng loạt hiểm họa khí hậu, với thời tiết cực đoan xảy ra gần như mỗi ngày trong thời gian từ tháng 1-2022 đến tháng 10-2022. Đầu tháng 4 này, theo dự báo của Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), phần lớn đất nước sẽ trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng từ nay tới tháng 6. Khu vực đồng bằng sẽ có nhiệt độ trên 40 độ C, khu vực trung du là 30 độ C. Năm nay, Ấn Độ đã ghi nhận tháng 2 nóng nhất kể từ năm 1901.

Những đợt nắng nóng chết người do biến đổi khí hậu đang đe dọa sự phát triển của Ấn Độ và có nguy cơ làm đảo ngược tiến trình xóa đói giảm nghèo, y tế và tăng trưởng kinh tế của quốc gia có dân số đứng hàng đầu thế giới. Hiện có tới 90% tổng diện tích của Ấn Độ nằm trong vùng nhiệt độ vô cùng cao, trong khi nước này không có sự chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn. Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo, nắng nóng đang làm suy yếu những nỗ lực của Ấn Độ trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc nhằm giảm đói nghèo, bất bình đẳng và dịch bệnh. Nắng nóng cực đoan có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của 480 triệu người và gây thiệt hại 2,8% GDP của nước này vào năm 2050.

Nhiệt độ tăng cao bất thường còn gây ra hạn hán, khả năng chín sớm... làm giảm năng suất cây trồng, tăng áp lực sâu bệnh và thoái hóa đất. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 12 năm ngoái, chỉ có 4% sản phẩm tươi sống ở Ấn Độ được bao phủ bởi các dây chuyền lạnh, thiệt hại lương thực ước tính hằng năm lên tới 13 tỷ USD. Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do các đợt nắng nóng dẫn đến tình trạng thiếu hàng hóa, lạm phát gia tăng và buộc Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) phải tăng lãi suất một lần nữa. Đây không phải là một kịch bản mong muốn đối với tăng trưởng GDP của nước này.

Nắng nóng còn gây căng thẳng cho ngành điện vốn đã quá tải của Ấn Độ. Mức tiêu thụ điện tăng đột ngột có thể đẩy lưới điện đến giới hạn. Nhiệt độ tăng đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều hơn các thiết bị điện, khiến điện trở nên khan hiếm, ảnh hưởng đến hoạt động của các ngành công nghiệp. Trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao, có những lo ngại rằng, Ấn Độ có thể một lần nữa phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu. Để bảo đảm cung cấp điện thông suốt, các nhà máy nhiệt điện than phải chạy hết công suất trong năm thứ hai liên tiếp, và như vậy sẽ làm tăng đáng kể lượng khí thải nhà kính vốn đã cao ngất ngưởng của Ấn Độ.

Ấn Độ không thể gạt bỏ lo ngại về những đợt nắng nóng bất thường, bởi nó tác động trực tiếp tới lạm phát và an ninh lương thực, gây nguy hiểm cho sự ổn định kinh tế vĩ mô. WB cho biết, tăng trưởng GDP của Ấn Độ có thể giảm xuống 6,3% trong năm 2023-2024. Điều này đặt ra không ít thách thức và có nguy cơ làm hỏng giấc mơ vươn lên thành một nền kinh tế tiên tiến của quốc gia này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nắng nóng ở Ấn Độ: Gia tăng gánh nặng cho nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.