(HNMO) - Những ngày qua, tiết trời tại Hà Nội nắng nóng gay gắt khiến nhiều bệnh viện quá tải bởi bệnh nhân nhập viện gia tăng. Trong đó, riêng tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, số ca nhập viện cấp cứu tăng khoảng 150%, chủ yếu bị tai biến mạch máu não, viêm phổi.
Tai biến, viêm phổi vì nắng nóng
Tại Khoa Cấp cứu - Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương, bệnh nhân Vũ Văn Đàn, 68 tuổi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã nằm điều trị được 3 ngày.
TS.TS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu - Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương. |
Theo người nhà, hơn 4h sáng, ông Đàn dậy đi vệ sinh sau đó bị ngã nhưng đến gần 6h mới được phát hiện và đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Các bác sĩ chụp CT phát hiện ông bị tổn thương ở não. Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Lão khoa trung ương để điều trị.
“Nhà tôi đông anh em nhưng đều ở riêng chứ không ở cùng bố mẹ. Vì vậy, bố tôi bị ngã, khi được phát hiện thì ông đã rơi vào hôn mê. Ông đang ở tình trạng liệt nửa người bên phải; tay, chân bên trái có thể cử động nhẹ. Các bác sĩ đang theo dõi và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp”, con trai bệnh nhân chia sẻ.
Đang chăm sóc mẹ già tại bệnh viện, anh Nguyễn Văn Quang (Bắc Ninh) cho biết, mẹ anh thỉnh thoảng kêu đau đầu, do trời nắng nóng nên gia đình lưỡng lự chưa muốn đưa bà đi khám. Khi bà đau dữ dội, gia đình tức tốc đưa đến viện. Bà bị vỡ mạch máu não và đã được bác sĩ cấp cứu kịp thời.
Cũng tại khoa, bệnh nhân Nguyễn Đắc Bành, 82 tuổi, đã phải nằm một chỗ nhiều năm bởi di chứng tai biến, lại đang phải điều trị vì viêm phổi nặng. Khi thời tiết nắng nóng, gia đình bật điều hòa để ông bớt nóng nhưng nhiệt độ vào ban đêm không được điều chỉnh khiến ông bị viêm phổi.
“Lúc nhập viện, ông ở tình trạng rất nặng, nhân viên y tế phải bóp bóng cấp cứu. Bác sĩ tiên lượng nhiều khả năng diễn biến xấu”, người nhà bệnh nhân nói.
TS.TS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Khoa Cấp cứu - Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, số bệnh nhân được cấp cứu tại khoa tăng khoảng 150% so với ngày thường. Ngày khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhất là 30 ca. Các ca chủ yếu bị tai biến mạch máu não (đột quỵ não), viêm phổi.
Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não được cấp cứu sáng 20-5 tại Bệnh viện Lão khoa trung ương. |
“Vào mùa hè, mọi người cứ nghĩ ít khi bị viêm phổi nhưng trên thực tế những ngày qua bệnh viện tiếp nhận khá nhiều ca bệnh này, thường rơi vào những người cao tuổi bị tàn phế phải nằm một chỗ, gia đình dùng điều hòa, không để ý kiểm tra nhiệt độ khiến bệnh nhân bị nhiễm lạnh”, TS.TS Trần Quang Thắng nói.
Phòng, chống bệnh như thế nào?
Theo Trưởng khoa Cấp cứu - Đột quỵ, bệnh nhân đột quỵ gia tăng khi thời tiết nắng nóng là bởi phần lớn người cao tuổi bị đa bệnh lý, thường mắc từ 3 bệnh trở lên, trong đó có bệnh là yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
Điều đáng nói, nhiều trường hợp có dấu hiệu bị đột quỵ nhưng được đưa đến viện muộn bởi họ không ở cùng con cháu nên không được phát hiện sớm. Cũng có trường hợp gia đình thấy biểu hiện ban đầu nhưng cho là nhẹ, không đưa đi khám vì sợ ra ngoài trời nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, nhiều bệnh nhân bị nặng, việc hồi phục khó khăn bởi mất “giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ.
“Vì vậy, khi người nhà có dấu hiệu tai biến như: Miệng lệch, mắt lệch; tay yếu (đang cầm bát, đũa bị rơi); nói khó, nói lắp bắp, cần đưa đến bệnh viện càng sớm thì cơ hội cứu bệnh nhân sẽ càng cao”, bác sĩ Thắng khuyến cáo.
Để phòng bệnh cho người cao tuổi trong những ngày nắng nóng, theo bác sĩ Thắng, người cao tuổi nên tránh thay đổi môi trường một cách đột ngột. Nếu phải ra ngoài trời, cần mặc kín để tránh sốc nhiệt, bởi sốc nhiệt dễ làm tăng tuyết áp khiến nguy cơ xảy ra tai biến; mặc áo sáng màu; uống đủ nước; ăn uống đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, với những người bị bệnh về huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, cần theo dõi và kiểm soát bệnh tốt.
Nắng nóng khiến không ít người già bị viêm phổi. |
Bên cạnh đó, người cao tuổi khi nằm trong phòng điều hòa, gia đình cần trang bị dụng cụ đo nhiệt độ trong phòng và để độ ẩm thích hợp. “Nên để điều hòa ở mức 27-28 độ C và độ ẩm ở mức 60%”, bác sĩ khuyến cáo.
Song song với đó, thường xuyên kiểm tra sức khỏe người cao tuổi để phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh viêm phổi như khò khè, khó thở, thở nhanh, sốt. Khi xuất hiện những dấu hiệu trên, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.