(HNM) - Hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình trong tháng 6-2019 tăng đột biến đã, đang gây ra một số thắc mắc.
Tuy nhiên, dựa vào những đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia về những diễn biến bất thường của thời tiết - với nhiều ngày nắng nóng gay gắt - cùng với giải thích của ngành Điện Thủ đô... thì những đột biến kể trên đã phần nào được cắt nghĩa.
Thông tin về tiền điện tháng 6-2019, ông Nguyễn Vũ Hải, ở chung cư G3C Khu đô thị Yên Hòa (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, đã phải trả gần 2,5 triệu đồng tiền điện, trong khi tháng trước đó (tháng 5-2019) mức tiêu thụ điện của gia đình chỉ hơn 1,7 triệu đồng. Tương tự, ông Vũ Văn Trung, trú tại chung cư HH 3C (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) chia sẻ, hóa đơn tiền điện tháng 6-2019 của gia đình ông cao hơn so với tháng trước hơn 1 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về hóa đơn tiền điện tăng cao, ông Nguyễn Vũ Hải cho biết: "Tôi đã điện thoại hỏi tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) và đã rõ nguyên nhân. Tháng 6-2019, có nhiều ngày nắng nóng, nên gia đình tôi sử dụng điều hòa nhiều hơn các tháng khác khiến điện năng tiêu thụ nhiều, dẫn đến tiền điện tăng cao, với 857 số điện”.
Để rõ hơn thông tin về đợt nắng nóng trong tháng 6 vừa qua, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dẫn chứng: Tháng 6-2019 có thời gian nắng nóng kéo dài, với 25 ngày liên tiếp (từ 3 đến 27-6). So với đợt nắng nóng cùng kỳ những năm trước như: Năm 2014 với 32 ngày, hay 39 ngày năm 2015 thì thời gian nắng nóng tháng 6-2019 không bằng, nhưng cường độ của các đợt nắng nóng vừa qua ở miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng có thể đánh giá là đặc biệt gay gắt.
Những yếu tố khắc nghiệt của thời tiết đó đã lý giải phần nào nguyên nhân khiến lượng điện tiêu thụ của người dân trong tháng 6-2019 tăng cao. Thống kê của EVN HANOI cũng khẳng định điều này. Theo đó, lượng điện tiêu thụ bình quân tháng 6-2019 tăng cao ở mức 71,18 triệu kWh/ngày; trong đó có nhiều ngày cao kỷ lục như 12-6 (85,09 triệu kWh); ngày 13-6 (80,20 triệu kWh); ngày 21-6 (80,98 triệu kWh); ngày 22-6 (82,02 triệu kWh)… Trong khi đó, bình quân lượng điện tiêu thụ 1 ngày trong tháng 4-2019 chỉ là 54,371 triệu kWh và 57,995 triệu kWh trong tháng 5-2019. Chính điều này đã đẩy hóa đơn tiền điện tăng cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Tiến Hiệp, Ban Truyền thông EVN HANOI thông tin, trước phản ánh của dư luận về hóa đơn tiền điện, EVN HANOI đã chỉ đạo các công ty điện lực tại các quận, huyện làm việc trực tiếp với khách hàng, đồng thời các đơn vị điện lực kiểm tra, đo đạc công tơ điện của các hộ gia đình để xác minh nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao. Qua làm việc giữa Công ty Điện lực và khách hàng, hầu hết các hộ gia đình đều sử dụng các thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị làm mát như điều hòa nhiều hơn các tháng trước, dẫn đến lượng điện tiêu thụ tăng.
Vì vậy, EVN HANOI khuyến cáo, khách hàng cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm.
Giá bán lẻ điện sinh hoạt áp dụng từ ngày 20-3-2019 được điều chỉnh tăng; chia làm 6 bậc, cụ thể như sau:
Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh (giá cũ là 1.549 đồng);
Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh (giá cũ 1.600 đồng);
Bậc 3 được tính giá 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh (giá cũ 1.858 đồng);
Bậc 4 được tính giá 2.536 đồng cho mức tiêu thụ 201-300 kWh (giá cũ 2.340 đồng);
Bậc 5 được tính giá 2.834 đồng cho mức tiêu thụ 301-400 kWh (giá cũ 2.615 đồng);
Bậc 6 được tính giá 2.927 đồng cho 401 kWh trở lên (giá cũ 2.701 đồng).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.