(HNMO) - Sáng 5-11, các đại biểu Quốc hội có phiên thảo luận cuối cùng tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC); công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Năm 2019, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, phát biểu trong sáng 5-11, nhiều đại biểu thể hiện mối quan tâm về số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện nhiều. Dù đã xử lý nghiêm nhưng tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em thời gian gần đây không giảm. Tội phạm xâm hại trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Trong đó, trên 70% số vụ là xâm hại tình dục trẻ em.
“Tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em diễn ra ở tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước và chủ yếu lại chính từ gia đình, nhà trường và hàng xóm, cộng đồng xã hội. Thực trạng này phản ánh sâu sắc vấn đề đạo đức xã hội, nhân phẩm, tính mạng trẻ em bị không ít người coi nhẹ. Trẻ em là tương lai đất nước. Mỗi người chúng ta cần suy nghĩ và hành động nhiều hơn vì sự an toàn và bảo vệ môi trường trong lành cho thế hệ con cháu chúng ta”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) nêu.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Hải Dương) cũng đề nghị thời gian tới phải “tấn công” bằng nhiều biện pháp từ hành chính đến kinh tế, từ tuyên truyền đến xử lý hình sự một cách mạnh mẽ và kịp thời hơn. Trong đó, phải có các cuộc vận động rộng khắp và liên tục hơn về trách nhiệm của người lớn trong việc bảo vệ trẻ em và bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Những hạn chế trong hoạt động xét xử của tòa án và công tác thi hành án cũng được các đại biểu chỉ ra như còn tình trạng vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn hoãn phiên tòa, nghị án, còn nhiều trường hợp án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan; số vụ án hành chính chưa thi hành tăng 51% so với cùng kỳ năm 2018; số người bị kết án tù, trốn thi hành án, số phạm nhân trốn khỏi nơi giam giữ, số phạm tội mới tăng nhiều hơn so với năm trước.
Các đại biểu cũng phân tích và chỉ rõ nguyên nhân một số cán bộ trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, năng lực còn hạn chế; trong đó, một số cán bộ vi phạm pháp luật đã bị kỷ luật, xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước, công tác tổ chức cán bộ, công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm.
Về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng trong năm qua, các đại biểu cơ bản đồng tình với những chuyển biến mạnh mẽ và kết quả tích cực, rõ nét đã đạt được. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo tinh thần “làm rõ đến đâu xử lý đến đó”, thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm tham nhũng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong dư luận cán bộ, đảng viên và được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Tuy nhiên, một số mặt trong công tác phòng, chống tham nhũng chuyển biến còn chậm. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) nêu, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Văn Được (Đoàn Hà Nội) kiến nghị các cơ quan pháp luật cần xử lý nghiêm minh, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước; những trường hợp nào xử lý nội bộ cũng phải công khai, thông báo người vi phạm đã tham nhũng những gì để nhân dân biết.
Kết thúc phần thảo luận sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã có giải trình làm rõ thêm ý kiến các đại biểu.
Sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tư pháp phối hợp với Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, các cơ quan của Quốc hội tổ chức tiếp thu, hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Sáng 5-11, trước phiên thảo luận, 427 đại biểu (chiếm 88,41% tổng số đại biểu) đã biểu quyết tán thành việc bổ sung nội dung về việc phân bổ 4.069 tỷ đồng trong tổng số 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và một số nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.