Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp

Hồng Sơn| 30/07/2022 06:14

(HNM) - Kinh tế Việt Nam đang phục hồi rõ nét, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Song, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối diện không ít thách thức đến từ nhiều phía như hệ lụy từ dịch Covid-19, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào leo thang, trong khi kết quả của một số chính sách hỗ trợ chưa như ý… Yêu cầu đặt ra là nâng cao hiệu quả hỗ trợ để doanh nghiệp “khỏe” và phát triển tốt hơn.

Vận hành dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC - đơn vị đã được hưởng chính sách giảm thuế. Ảnh: Khắc Kiên

Đồng thuận với chính sách hỗ trợ

Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực, như hoãn, giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; giảm 2% thuế giá trị gia tăng ở một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề. Mới nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ 2% lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tổng gói hỗ trợ là 40.000 tỷ đồng từ ngân sách, cấp cho các ngân hàng thương mại, nhằm giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC Nguyễn Minh Châu cho biết, đơn vị đã được hưởng chính sách giảm thuế với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, minh bạch. “Đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ như chúng tôi, sự hỗ trợ về tài chính mang lại tác dụng rất tích cực. Nhìn chung, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận, đánh giá cao nhờ sự kịp thời, đáp ứng đúng nhu cầu”, ông Châu nói.

Tuy nhiên, với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất, nhiều doanh nghiệp cho rằng, điều kiện còn khá chặt, nhiều đối tượng khó tiếp cận. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh, hỗ trợ lãi suất là rất đúng đắn, nhưng tổng mức tiền dành để hỗ trợ vẫn nhỏ, do đó hạn chế sức lan tỏa của chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngoài ra, điều này càng khiến việc lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách khó khăn hơn. Nếu đặt điều kiện doanh nghiệp không có nợ, đang được cơ cấu nợ mới được tiếp cận thì chính sách hỗ trợ này sẽ rất khó đến với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đây lại là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Việc xét duyệt thận trọng có thể dẫn đến việc nguồn vốn tín dụng không đến đúng thời điểm doanh nghiệp cần, không phát huy hết hiệu quả. Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương cũng phản ánh, đến nay hầu như chưa có một doanh nghiệp điện tử nào được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng dành cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Thực tế, ngoài tác động của dịch Covid-19, giá xăng, dầu, nguyên, vật liệu tăng cao; nguy cơ lạm phát cao, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ở một số nền kinh tế lớn… đang gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam xác nhận, chi phí cảng biển tăng, cước phí vận tải tăng mạnh đã tác động trực tiếp tới doanh nghiệp. Đơn cử như chi phí 1 container đông lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ mất khoảng 400-440 triệu đồng. Có đơn vị mỗi tháng chi cho dịch vụ logistics tới vài tỷ đồng. 

Chi phí cảng biển, cước phí vận tải tăng đã tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Quốc Cường

Thêm nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp cần được tiếp tục hỗ trợ một cách toàn diện, hiệu quả hơn. Mới đây, Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế lần thứ ba với các kỳ hạn nộp trong năm 2022. Theo các chuyên gia, việc gia hạn thuế, tiền thuê đất sẽ giảm bớt một phần khó khăn tài chính cho doanh nghiệp, người dân. Ý nghĩa lớn nhất của chính sách này là tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, cho thấy Chính phủ luôn sát cánh, đồng hành, giúp doanh nghiệp vượt khó.

Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương kiến nghị, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tín dụng một cách cởi mở. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm đề xuất giảm thuế đối với xăng, dầu, kéo giảm giá mặt hàng này, chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cơ quan chức năng không nên bỏ lỡ “thời cơ giảm thuế”, làm sao đưa giá xăng về mức 20.000-22.000 đồng/lít, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thực chất.

Thực tế, Chính phủ đang chỉ đạo tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp một cách đồng bộ, kịp thời. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số. Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với đối tác nước ngoài đào tạo về tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho hơn 500 doanh nghiệp; trong đó 14 doanh nghiệp được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc và tiếp cận tài chính với khoản vay 5 triệu USD.

Kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành tập trung tăng cường tín dụng cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng; hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cố gắng giảm lãi suất cho vay; đề xuất cấp có thầm quyền điều chỉnh thuế đối với xăng, dầu đi đôi với nghiên cứu chính sách hỗ trợ về xăng, dầu cho một số đối tượng... Đây sẽ là những chính sách rất hữu ích giúp doanh nghiệp đủ sức vượt qua khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.