(HNM) - Nhằm nâng cao giá trị nông sản, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ nhiều địa phương xây dựng nhãn hiệu tập thể cho những đặc sản riêng có của từng vùng đất, song việc quản lý và duy trì nhãn hiệu tập thể đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Do vậy, cần có giải pháp để xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản - đặc sản, từ đó tạo chỗ đứng, phát triển ổn định, bền vững trên thị trường cạnh tranh hiện nay.
Nhiều lợi ích từ xây dựng nhãn hiệu
Việc phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp riêng có của Hà Nội có vai trò hết sức quan trọng. Đây không chỉ là cơ sở, tiền đề để gìn giữ, bảo tồn sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao mà còn tạo nhiều việc làm cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt cho biết, sau khi gạo hữu cơ Đồng Phú được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể (năm 2015), sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, "đầu ra" tương đối thuận lợi, giá bán gấp từ 2,5 đến 3 lần so với khi chưa có thương hiệu. Không chỉ tiêu thụ trong nước, gạo hữu cơ Đồng Phú còn được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Còn Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Đông thông tin, từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể (năm 2017), sản phẩm “Gà đồi Sóc Sơn” đã từng bước chiếm lĩnh thị trường, hiệu quả về kinh tế tăng từ 1,5 đến 2 lần so với trước đây. Sản phẩm “Gà đồi Sóc Sơn” đang được tiêu thụ mạnh qua hệ thống doanh nghiệp, cửa hàng tiện ích và quán ăn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về hiệu quả của việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp như: “Nhãn chín muộn Đại Thành” (huyện Quốc Oai), “Gạo thơm Bối Khê” (huyện Thanh Oai), “Cam Canh Kim An” (huyện Thanh Oai), “Vịt Vân Đình” (huyện Ứng Hòa)… Phần lớn các sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ đã có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài thành phố, thị trường mở rộng, giá bán tăng thêm từ 15 đến 20%...
Trong khi đó, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể còn giúp các hợp tác xã, người dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tăng sức cạnh tranh cho nông sản
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển nhãn hiệu tập thể đang gặp không ít vấn đề. Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ Đồng Thái (huyện Ba Vì) Phùng Quốc Lượng cho biết, sản phẩm khoai lang Đồng Thái được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và công bố nhãn hiệu từ năm 2014. Khoai lang Đồng Thái có giá trị kinh tế cao hơn nên bị nhiều người bán hàng lợi dụng đánh tráo, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng. Hiện khoai lang Đồng Thái mới chỉ bán qua khách hàng nhỏ lẻ, chưa ký kết được hợp đồng tiêu thụ lớn với các kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích.
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thành Trung, việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể tại các địa phương cũng như với chủ sở hữu còn hạn chế, đặc biệt là vấn đề tiếp cận thị trường. Mặt khác, do sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, nên nhiều hộ dân chưa đáp ứng được các yêu cầu theo tiêu chuẩn an toàn.
Để nhãn hiệu tập thể phát huy hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cho nông sản, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng thông tin, huyện sẽ tập trung quản lý các thương hiệu nông sản trên địa bàn nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm; đồng thời giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh bán hàng hiện đại, để nông sản có thương hiệu, nhãn hiệu khẳng định vị thế trên thị trường.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các thương hiệu nông sản đặc trưng của Hà Nội gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm có thương hiệu được công nhận OCOP. Bên cạnh đó sẽ tổ chức các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể; đưa các doanh nghiệp vào liên kết với hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Cùng với những giải pháp nhằm nâng cao giá trị nông sản Thủ đô, theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, giúp nông dân hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để tạo ra chất lượng hàng hóa đồng đều, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm… Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nông sản cũng là một giải pháp phát triển bền vững của nông nghiệp Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.