(HNM) - Ở nhiều vùng thuần nông, sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các dự án, đời sống phần lớn người dân rơi vào khó khăn. Xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai thì ngược lại. Chuyện thiếu việc làm, thiếu lương thực sau thu hồi đất đã dần qua đi nhờ sự năng động, chịu khó quay vòng tối đa diện tích đất ít ỏi còn lại.
Khi ruộng "nhường" dự án
Mô hình cây ăn quả tại thôn Ba Nhà, xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai).
Là xã thuần nông, đời sống người dân Yên Sơn hàng trăm năm nay vẫn chủ yếu trông chờ vào cây lúa, củ khoai. Theo chủ trương của Nhà nước, liên tiếp từ năm 1996 tới nay, nông dân Yên Sơn đã phải nhường lại "cần câu cơm" ruộng đất cho các dự án. Ban đầu là dự án đường cao tốc Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long) thu hồi 28,5ha; tiếp đến là Cụm công nghiệp Yên Sơn 9ha; hai dự án du lịch sinh thái, nhà vườn Hoàng Lộc và BH gần 14ha và nhiều dự án lẻ khác… Chẳng mấy chốc, 62,3/256ha đất nông nghiệp cấy hai vụ lúa phải thu hồi. Theo ông Nguyễn Phú Thành, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, toàn xã có 1.800 hộ dân thì có tới 700 hộ bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất. Tại hai thôn Quảng Yên và Sơn Trung có 10 hộ phải thu hồi 100% diện tích, hộ ít nhất cũng phải thu hồi trên 30%. "Tiền đền bù thu hồi đất thời điểm năm 2005 trở về trước chỉ 22 triệu đồng/sào, chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu mua sắm, sửa sang nhà cửa của người dân. Vậy là, chưa chuyển đổi được nghề, các hộ đã tiêu hết tiền hỗ trợ" - ông Thành cho biết.
Một nghịch lý diễn ra ở Yên Sơn là trước khi thu hồi đất làm cụm công nghiệp, nhiều doanh nghiệp hứa hẹn sẽ tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc khi nhà máy đi vào hoạt động. Thế nhưng thực tế, số lao động được tuyển dụng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Khó khăn chồng chất khiến đời sống người dân Yên Sơn giảm sút nhanh chóng.
Đất bãi là cứu tinh
Thế nhưng, đó chỉ là chuyện của quá khứ. Bây giờ, vùng quê Yên Sơn đã khác nhiều. Sau những phút "chuếnh choáng" ban đầu, người dân đã lấy lại được thăng bằng. Diện tích đất lúa còn lại chẳng là bao, nhưng nhờ năng động, chịu khó, họ đã cải tạo vườn tạp, chuyển đổi vùng đất bãi ven sông Đáy vốn trồng màu đơn thuần trước đây sang trồng cây ăn quả. Bây giờ đi trên con đê Đáy nhìn xuống, xóm làng Yên Sơn bạt ngàn màu xanh của những vườn cây ăn trái, nào bưởi, cam, nhãn muộn, táo... mùa nào thức nấy, luôn có hoa quả chín quanh năm. Ngoài trồng cây ăn quả, bà con triệt để luân canh 4 vụ/năm như mô hình cà chua, su hào, bắp cải vụ đông + lúa mùa; ngô + lúa... Trong đó, cây cà chua, cây ngô hàng hóa chiếm ưu thế, cho giá trị kinh tế cao. Trung bình một sào cà chua, ngô thu về 5-7 triệu đồng/vụ, gấp 3-4 lần trồng lúa.
Trong số gần 100ha đất bãi của xã, thôn Ba Nhà có gần 40ha đã chuyển sang trồng cây ăn quả và cây cảnh các loại cho thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm. Anh Nguyễn Đình Hải, đội 2, thôn Ba Nhà, người đầu tiên đưa cây ăn quả về trồng ở thôn cho biết, đất bãi ven Đáy ở đây màu mỡ nên cây trồng nào cũng thích hợp, đặc biệt là các cây ăn quả. Từ 5 sào đất bãi ban đầu, đến nay gia đình anh đã nhận thầu khoán thêm, nâng tổng diện tích vườn trại lên trên 1ha, trồng đủ các loại cây ăn quả, thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Hoàng Văn Sơn, Trưởng thôn Ba Nhà cho biết thêm, cả thôn có 170 hộ dân thì có 44 hộ dân có vườn trại trồng cây ăn quả. Các hộ đã liên kết lại, thành lập được Chi hội Làm vườn để hỗ trợ nhau sản xuất. Ngoài cây ăn quả, nhiều hộ còn trồng cây cảnh, đặc biệt là cam, bưởi cảnh cung cấp cho thị trường dịp Tết.
Cùng với Ba Nhà, Sơn Trung và Quảng Yên cũng đã chuyển sang các mô hình rau màu với diện tích hàng chục héc ta chạy dọc vùng bãi Đáy. "Làm rau tuy vất vả nhưng quay vòng vốn nhanh, chỉ 2-3 tháng chăm sóc là được một lứa" - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phú Thành cho hay. Gần đây, nhiều hộ chuyển sang trồng ngô nếp, ngô ngọt, cũng thu được 7 triệu đồng/sào. Nhà có 3 sào trồng rau, ngô là yên tâm không lo nghèo. Quả thực có về Yên Sơn mới thấy, vùng đất bãi ven Đáy đã thực sự trở thành cứu tinh của người nông dân sau thu hồi đất. Nhờ năng động, chịu khó quay vòng đất tối đa, đời sống người dân Yên Sơn đã ổn định. Hiện, thu nhập bình quân đầu người ở Yên Sơn đạt trên 10 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7%, đường giao thông thôn, xã được cứng hóa gần 100% đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa của người dân. Hiện tại, Yên Sơn đang hoàn thiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với dồn điền, đổi thửa tại khu vực bãi của hai thôn Trung Sơn và Quảng Yên để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế từ vùng đất bãi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.