(HNM) - Thời gian gần đây, không chỉ nhóm nghề mây, tre, giang đan gặp khó khăn, sản xuất giảm sút, nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ khác như điêu khắc, sơn mài, gốm sứ… cũng chịu chung số phận.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các chủ DN, hộ sản xuất làng nghề (LN) có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng đầu tiên phải kể đến là không tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, xúc tiến thương mại cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) thời gian này đang trở thành yêu cầu bức thiết.
Các làng nghề mây giang đan Chương Mỹ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Nguyễn Mai
Thị trường thu hẹp, chồng chất khó khăn
Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề trong đó trên 60% là các LN TCMN với 272 LN được công nhận. Hàng năm, giá trị sản xuất hàng TCMN đạt hàng nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương Hà Nội), các LN TCMN Hà Nội đang tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm nghìn lao động và gần 1 triệu lao động thời vụ với thu nhập bình quân gấp 1,5-2 lần so với thu nhập của lao động thuần nông. Tuy nhiên, hiện nay, ngành hàng TCMN đang đối mặt với nhiều thách thức.
Là DN tham gia trong lĩnh vực TCMN nhiều năm nay, bà Lê Thị Ngọc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) cho hay, DN chuyên sản xuất, kinh doanh gốm sứ: "90% sản phẩm của công ty xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật; tuy nhiên, 3 tháng gần đây, giá nhân công đã tăng lên 30-40%. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu (đất, men…) cũng tăng 20-30%, nhưng đầu ra ngày càng thu hẹp. Để bảo đảm sản xuất và việc làm cho 350 công nhân, DN phải cắt giảm lợi nhuận và tăng cường sản xuất hàng nội địa". Không riêng gì gốm sứ, ở lĩnh vực mây tre đan, bà Trịnh Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre Huy Hiếu (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ) cho biết, vài năm gần đây nguyên liệu đầu vào khan hiếm. DN phải lên tận Cao Bằng thu mua nguyên liệu nhưng vẫn khó, giá nguyên liệu tăng 20% so với năm trước, trong khi đó, đầu ra sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu, cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc...
Bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội phân tích: Thu nhập của lao động làm nghề TCMN ngày càng thấp so với ngành nghề khác, nên số lao động và DN kinh doanh mặt hàng này giảm dần; chi phí đầu vào tăng; mức độ cạnh tranh mang tính toàn cầu là cạnh tranh về giá và cạnh tranh về khác biệt (yếu tố sáng tạo làm chủ đạo) khiến cho ngành hàng TCMN Hà Nội ngày càng khó khăn… Đây là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất tại các LN TCMN hiện nay.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm, những năm qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã làm cầu nối giúp hàng trăm DN tìm kiếm bạn hàng trong và ngoài nước thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đã có nhiều DN tìm kiếm được bạn hàng mới, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng TCMN cho các LN. Ông Đỗ Đình Lăng, Giám đốc Công ty TNHH LV và Hòn Ngọc Viễn Đông cho biết: Tham gia hội chợ ở CHLB Đức diễn ra trong tháng 8 vừa qua, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều DN hàng đầu trên thế giới về sản xuất, kinh doanh hàng TCMN, DN đã quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Đồng thời nắm bắt sở thích, thị hiếu khách hàng từng nơi, tìm hiểu về sản phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng, từ đó đổi mới sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu đối tác nước ngoài. "Kênh chính để xuất khẩu của DN là xúc tiến thương mại, tìm bạn hàng thông qua các hội chợ, nên những chuyến xúc tiến thương mại là vô cùng cần thiết" - bà Lê Thị Ngọc Minh, đại diện Công ty TNHH Gốm Quang Vinh cho biết. Tuy nhiên, các chủ DN đều có chung đề nghị, thành phố Hà Nội nên tổ chức cho các DN tham dự xúc tiến thương mại liên tục trong 3-5 năm liền mới có thể xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ lâu dài với bạn hàng.
Theo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, tháng 11 tới đây, hội chợ hàng TCMN tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam sẽ diễn ra, đây là hội chợ chuyên ngành TCMN lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với sự góp mặt của 300 DN TCMN với 8 nhóm ngành hàng chính bao gồm gốm sứ; mây tre giang đan, guột tế; đồ gỗ mỹ nghệ; sơn mài; khảm trai; thêu ren; dệt lụa tơ tằm; đá, sừng mỹ nghệ… Hội chợ nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ các DN, cơ sở sản xuất hàng TCMN của Hà Nội và một số tỉnh, TP trong cả nước quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.