(HNM) - Năm 2018 khép lại với tin vui: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã đạt nhiều chỉ số lạc quan, sự phát triển mang tính bền vững, chất lượng và khá toàn diện.
Điều đó được thể hiện cụ thể, thiết thực hơn với mỗi người dân, qua con số thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017...
Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế năm 2018 vẫn phát triển ngoạn mục là do Chính phủ đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính liêm chính, hành động, phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động. Cùng với đó là một Chính phủ cầu thị, lắng nghe và tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, với nông dân để tìm giải pháp bứt phá mang tính toàn diện...
Chính phủ cũng rốt ráo trong chỉ đạo cắt giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Đồng thời đổi mới cơ chế quản lý vốn và tài sản nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước... Điểm lại năm bản lề - năm 2018 - của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 để thấy rằng, đang có một bước tạo đà vững chắc cho năm 2019, năm có ý nghĩa nước rút để về đích thắng lợi cho cả chặng đường.
Song, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn; không quá say sưa với thành tích, thắng lợi... Với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Chính phủ và các địa phương cần năng động, sáng tạo hơn nữa để năm 2019 phải hơn năm 2018 trên tất cả các phương diện”.
Với tinh thần đó, những khó khăn, thách thức về kinh tế - xã hội ở phía trước đã được hội nghị xác định, đồng thời bàn giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Bằng quyết tâm mạnh mẽ, phương châm phát triển của năm 2019 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định qua 12 chữ là: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá".
Điều này đồng nghĩa với việc các cấp, ngành, địa phương phải rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; bám sát các chương trình, kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ và quyết liệt thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm những chi phí không hợp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời, không ngừng cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh; cải cách bộ máy hành chính... Đặc biệt, cần chú ý để tận dụng thời cơ của Cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định thương mại nhằm có thêm nhiều động lực bứt phá...
Với Thủ đô Hà Nội, trong năm 2019 sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục hành động với tinh thần "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội tập trung tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng, phát triển thành phố thông minh...
Dẫu còn nhiều khó khăn không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng việc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp khẳng định sự đồng thuận, quyết tâm bứt phá vươn lên là cơ sở để tin tưởng nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đề ra trong năm 2019 và cả giai đoạn 2016-2021 sẽ được hoàn thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.