Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng độ tuổi trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi: Những tác động tích cực

Hà Phong| 26/02/2016 07:21

(HNM) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội trong kỳ họp tới về đề xuất nâng tuổi trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, sự thay đổi này có thống nhất với các luật, bộ luật khác ra sao là vấn đề cần tính đến.


Lợi nhiều mặt

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi tại dự thảo Luật Trẻ em (sửa đổi) không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành hay cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác.

Trên thực tế, không phải tất cả trẻ em đều được áp dụng đồng thời các chính sách và quy định pháp luật như nhau mà được chia theo độ tuổi và các nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng cho phù hợp, không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không. Hơn nữa, Hiến pháp và các bộ luật liên quan đều quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên mới có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân. Như vậy, hệ thống pháp luật nước ta đã thống nhất quy định người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên và độ tuổi này được xác định là ranh giới để phân biệt giữa người chưa trưởng thành đầy đủ với người trưởng thành đầy đủ.

Theo Tổng cục Thống kê, hiện số người trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là 4.384.472. Do đó, khi điều chỉnh độ tuổi, số này sẽ được xem là trẻ em và vẫn được hưởng đầy đủ các chính sách chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn để phát triển toàn diện. Chi phí chỉ phát sinh khi áp dụng các chính sách chi cho các trường hợp cần chăm sóc, bảo vệ đặc biệt (khoảng 250.000 người) và chi phí cho công tác phòng ngừa, can thiệp sớm, tái hòa nhập cộng đồng cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc độ tuổi này. So sánh giữa những lợi ích mang lại và kinh phí bỏ ra, số tiền phải chi là rất nhỏ. Chưa kể, theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và Giáo dục trẻ em (sửa đổi), việc nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp của luật này với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đổi mới phải toàn diện

Dù vậy, luật sư Nguyễn Minh Vượng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) vẫn băn khoăn. Ông Vượng phân tích, trước tình hình trẻ em vị thành niên phạm tội ngày càng gia tăng, điển hình là vụ Lê Văn Luyện sát hại dã man nhiều người trong một gia đình ở Bắc Giang để cướp tài sản, nhưng vẫn được pháp luật xử nương tay vì gây án khi chưa tròn 18 tuổi, khiến dư luận lo lắng.

Đã có ý kiến đề nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng nghiêm trị tội phạm vị thành niên gây trọng án, để tránh tình trạng các băng nhóm tội phạm dùng người vị thành niên trực tiếp gây án, lợi dụng tính nhân đạo của luật pháp đối với người vị thành niên. Còn với Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu quy định tuổi trẻ em từ 18 trở xuống thì sẽ có rất nhiều trẻ em lấy vợ, lấy chồng, nhất là ở miền núi. Hay chỉ riêng trong lĩnh vực tố tụng hình sự, với việc nâng tuổi trẻ em thì nhóm phạm tội trong lứa tuổi này phải giam riêng, có người giám hộ… trong khi chỗ giam giữ đang quá tải.

Từ phân tích nêu trên, nếu nâng độ tuổi trẻ em phải sửa các luật liên quan thật đồng bộ và cần nguồn lực đầu tư khá lớn. Số cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng phải tăng theo, chứ không đơn thuần là chỉ tăng kinh phí hỗ trợ, chăm sóc cho nhóm trẻ em yếu thế như đã hoạch định. Cơ chế điều phối liên ngành về vấn đề trẻ em cũng cần tính toán kỹ. Ngoài ra, việc nâng tuổi trẻ em cũng cần phải bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Nghĩa vụ quân sự hay không...

Muốn tránh tình trạng "đá bóng" trách nhiệm, các vấn đề liên quan đến giáo dục trẻ em cần quy định rõ thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em sẽ thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế. Hoạt động vui chơi của trẻ em là do Bộ VH-TT&DL chịu trách nhiệm… Như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới có cơ sở nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều hòa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và chỉ rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng độ tuổi trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi: Những tác động tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.