(HNMCT) - Nghị quyết 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2014, sau 5 năm đã có thể nhìn nhận tương đối rõ về thành tựu đạt được cũng như hạn chế và khó khăn, thách thức. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trong giai đoạn tiếp theo, cần thực hiện đồng bộ hệ giải pháp phù hợp thực tế, tăng tính sáng tạo và tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, không xa rời hai định hướng lớn về mục tiêu là xây dựng văn hóa, phát triển con người một cách toàn diện.
Mục tiêu “hai trong một”
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33) trên địa bàn thành phố Hà Nội, diễn ra vào chiều ngày 16-7-2019, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định: “Thành ủy Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc phát triển văn hóa là nội dung trọng tâm, xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài; văn hóa trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”.
Mục tiêu, định hướng cơ bản đã rõ, quan điểm chỉ đạo đã được khẳng định, nhưng hiệu quả thực hiện Nghị quyết 33 phụ thuộc vào nhận thức, phương pháp triển khai, tâm thế và trách nhiệm nhập cuộc của cả hệ thống chính trị. Mọi phần việc liên quan cần được thực hiện một cách nhất quán, không chệch hướng mục tiêu “hai trong một” là xây dựng và phát triển văn hóa, con người, trong đó con người là trung tâm, là đích đến. Nhấn mạnh điều này là bởi trong 5 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 bộc lộ những hạn chế nhất định mà một trong số nguyên nhân cơ bản, theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội là: “Một số cấp ủy Đảng, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô và đất nước. Cách tiếp cận quan điểm chỉ đạo, mục tiêu mà Nghị quyết hướng tới còn hạn chế trong tư duy tầm nhìn cũng như triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thiếu chủ động, thiếu sáng tạo...”.
Nhận thức dẫn lối hành động. Nhận thức chưa thông thì hành động cũng thiếu hiệu quả, kìm hãm đà tiến chung. Thực tế cho thấy điều này, chẳng hạn như ở công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI (giai đoạn 2015-2020) của Đảng bộ thành phố Hà Nội. Thành phố xác định đây là khâu đột phá trong thực hiện Chương trình 04-Ctr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, đã hình thành định hướng cơ bản về các chuẩn mực mà mỗi người cần hướng tới, tự hoàn thiện, đồng thời xây dựng các quy tắc ứng xử ở nơi công cộng và trong công sở... Vấn đề ở đó không chỉ là điều chỉnh mối quan hệ giữa người với người theo hướng nhân văn, làm vừa lòng nhau, mà còn bao hàm nghĩa vụ thượng tôn pháp luật, thể hiện tinh thần trách nhiệm với công việc được giao, với môi trường và sự phát triển Thủ đô bền vững. Khi đặt vấn đề trong tổng thể, dễ nhận thấy rằng dù đã đạt được nhiều thành tựu trong 5 năm qua, chúng ta vẫn chưa hoàn thành thực sự tốt mục tiêu phát triển văn hóa và con người như yêu cầu đề ra. Văn hóa giao thông đang thực sự là vấn đề đáng lo ngại. Bạo lực học đường, nguy cơ mất an toàn trường học luôn tiềm ẩn mà việc đau lòng mới nhất là sự ra đi của cháu bé lớp 1 Trường quốc tế Gateway tại quận Cầu Giấy vào ngày 6-8-2019...
Bước chuyển thực chất
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33, Thành ủy Hà Nội đã đánh giá sát tình hình, đặc biệt là những hạn chế, qua đó xác định 6 nguyên nhân chủ quan, 4 nguyên nhân khách quan, 6 bài học kinh nghiệm và đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Giải pháp mang tính đồng bộ, từ đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa đến đổi mới công tác tuyên truyền; tăng cường công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở; quan tâm quy hoạch, đầu tư phát triển các công trình, không gian văn hóa theo hướng phát triển đồng đều ở các khu vực...
Giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng con người cần được thực hiện đồng bộ, bảo đảm định hướng chung, nhưng muốn đạt được hiệu quả cao, tạo bước chuyển thực chất thì cần thể hiện tính sáng tạo, xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm ở từng giai đoạn. Hà Nội cũng như các địa phương khác, khi triển khai thực hiện đều bám sát sáu nhiệm vụ lớn được nêu trong Nghị quyết 33, nhưng tùy đặc điểm tình hình, điều kiện cụ thể mà mỗi địa phương xác định “điểm nhấn” về mục tiêu, giải pháp. Với thành phố Hà Nội, như định hướng chung về xây dựng và phát triển văn hóa là “đề cao tính đại diện của văn hóa Hà Nội với cả nước”, “xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa”... thì trong giai đoạn tiếp theo, tất yếu đặt ra yêu cầu tạo bước chuyển mang tính thực chất. Muốn tạo ra kết quả mang tính đột phá thì cần có giải pháp phát huy sức sáng tạo, tăng hàm lượng chất xám trong mỗi phần việc liên quan đến tổ chức hoạt động văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa, hình thành mô hình văn hóa mới nhằm tạo sự khác biệt so với hoạt động tương tự ở các tỉnh, thành phố khác, như Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã nêu ý kiến chỉ đạo: “Lấy văn hóa làm nền tảng, sức mạnh mềm cho phát triển bền vững Thủ đô, trong đó, định hướng xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ là tiền đề và động lực quan trọng để Hà Nội cất cánh lên tầm cao mới”.
Thành phố Hà Nội có trở thành Thành phố sáng tạo được hay không? Nguồn lực con người có bảo đảm thực hiện yêu cầu nâng hàm lượng chất xám trong mỗi phần việc liên quan tới phát triển văn hóa, xây dựng con người, xây dựng không gian văn hóa và trong mỗi sản phẩm, mô hình văn hóa hay không?... Câu hỏi cần thời gian trả lời, nhưng thực tế cho thấy thành phố có thể thực hiện mục tiêu đó. Thực tế cũng cho thấy chúng ta đã sáng tạo, đã thực hiện tốt một số phần việc liên quan, thể hiện qua sự hình thành Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, qua việc tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tầm cỡ... Đó là cơ sở để tin tưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.