Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng chất lượng hàng "nội" để giảm nhập siêu

Thanh Hiền| 06/09/2017 07:15

(HNM) - Tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, phát triển sản xuất và đẩy mạnh phân phối hàng hóa trong nước có chất lượng tốt… là một trong những giải pháp quan trọng sẽ được các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai nhằm giảm nhập siêu.

Nâng cao chất lượng, mẫu mã các mặt hàng trong nước là một biện pháp cạnh tranh hiệu quả. Ảnh: Anh Tuấn


Nhập siêu tăng cao

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng cao từ đầu năm, do đó tình trạng nhập siêu tiếp tục kéo dài. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng 7 tháng đầu năm 2017 đạt 21,3 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 19,2 tỷ USD, tăng 27,4%; chất dẻo nguyên liệu đạt 4,14 tỷ USD, tăng 15,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 3,2 tỷ USD, tăng 10,5%; nhập khẩu vải các loại đạt gần 6,51 tỷ USD, tăng 9,2%...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số nhập siêu trong 7 tháng đầu năm nay phần lớn là do nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu “đầu vào” cho sản xuất, vì vậy tình trạng nhập siêu là không đáng lo ngại. Bên cạnh đó, vốn giải ngân đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20-8 đạt mức 10,3 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ.

Điều này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đưa máy móc, thiết bị cùng vào để thiết lập dây chuyền sản xuất. Như vậy, tình trạng nhập siêu kéo dài là để phục vụ cho việc sản xuất trong dài hạn, đây cũng là tín hiệu cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi trong các tháng tiếp theo.

Chất lượng là yếu tố cốt lõi

Với xu hướng xuất nhập khẩu hàng hóa như vậy, ở thời điểm hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị cần tập trung giảm nhập siêu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu chứ không nên chạy theo việc kìm hãm nhập khẩu, nếu đó là các mặt hàng “đầu vào” cho sản xuất. Thay vào đó, chỉ cần lưu ý số lượng nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thị trường để mở rộng xuất khẩu.

Để giảm nhập siêu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam bằng cách đầu tư nhiều hơn cho công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập siêu mặt hàng máy móc, thiết bị. Ngoài ra, cần đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hơn nữa để thuyết phục doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có sức cạnh tranh và người tiêu dùng trong nước ưu tiên sử dụng hàng Việt, thay vì các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Muốn tăng xuất khẩu, không có cách nào khác là các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, bảo đảm yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt với những mặt hàng nước ta đang có thế mạnh như nông sản, thủy sản…

Về phía Bộ Công Thương, để tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do với các nước, bộ sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ưu đãi, hướng tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định này, nhất là làm thế nào để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Bên cạnh đó, tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng khai báo C/O điện tử, mở rộng việc cấp C/O qua mạng internet… tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Tận dụng sức lan tỏa của cuộc vận động, không ít doanh nghiệp đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường trong nước. Là một trong những doanh nghiệp chủ lực của Hà Nội, tích cực tham gia cuộc vận động từ những ngày đầu phát động, Công ty TNHH MTV Thống Nhất đã đầu tư thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, quản lý để tạo ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã bền đẹp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu để giảm nhập siêu; nâng cao chất lượng hàng nội địa để thay thế hàng nhập khẩu; tạo niềm tin cho người tiêu dùng, phát triển sản xuất và đẩy mạnh phân phối những hàng hóa trong nước có chất lượng tốt...

Cũng theo bà Lê Việt Nga, cần phải làm tốt chính sách khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa; tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối; hoàn thiện “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã đặt chân vào nhóm nước thu nhập trung bình, đang hướng đến những cột mốc mới trên con đường phát triển, cùng với việc gia tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, doanh nghiệp trong nước cần coi trọng việc mở rộng thị trường theo phương châm “Người Việt Nam được tiêu dùng hàng chất lượng cao” để sản xuất ra hàng hóa tốt hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng chất lượng hàng "nội" để giảm nhập siêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.