(HNM) - Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an thành phố Hà Nội đều phối hợp tuyên truyền trong các trường học nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho học sinh, sinh viên, nhất là việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, từ thực tế vi phạm vẫn diễn ra thời gian qua cho thấy, cùng với tăng cường giáo dục cho học sinh, mỗi phụ huynh cần là tấm gương về chấp hành pháp luật giao thông để con em mình noi theo.
Vẫn xảy ra vi phạm
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại cổng Trường THPT Quang Trung (quận Hà Đông) đầu giờ sáng 25-9, mặc dù đang đợt cao điểm Công an quận Hà Đông và công an các phường trên địa bàn ra quân kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt học sinh không đội mũ bảo hiểm, nhưng nhiều em vẫn để đầu trần đi xe đạp điện, xe máy (dung tích xi lanh dưới 50cm3) vào trường. Trong khi đó, tại cổng Trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất) vào giờ tan học buổi sáng 25-9, phóng viên ghi nhận được nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện...
Trước đó, vào 7h20 sáng 23-9, tại cổng Trường Tiểu học Văn Chương (quận Đống Đa), hàng chục phụ huynh đưa con đến trường bằng xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm cho cả mình và con. Tương tự, khu vực cổng Trường THPT Việt-Đức (quận Hoàn Kiếm) có khá nhiều học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện, xe máy (dung tích xi lanh dưới 50cm3) đến trường nhưng không đội mũ bảo hiểm mà... treo ở xe!.
Vi phạm diễn ra nhiều ở khắp các địa phương, nhưng kết quả xử lý vi phạm đạt thấp. Từ tháng 8-2019 đến nay, Công an quận Hà Đông mới kiểm tra, lập biên bản, xử lý được hơn 100 trường hợp học sinh không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện, xe máy dung tích xi lanh dưới 50cm3. Tương tự, Đội Cảnh giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố) lập biên bản, xử lý 66 trường hợp học sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vi phạm do không đội mũ bảo hiểm.
Về việc này, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm, Đội Cảnh sát giao thông số 1 cho biết: Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của một bộ phận học sinh và phụ huynh còn hạn chế. Khi bị yêu cầu dừng xe kiểm tra, đa số học sinh ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi không có tiền nộp phạt; học sinh dưới 16 tuổi vi phạm thường không có giấy tờ tùy thân, lo sợ, khóc lóc nên việc xử lý rất khó. Hơn nữa, vi phạm chủ yếu xảy ra vào giờ cao điểm tại khu vực trước cổng trường học, nếu tập trung xử lý vi phạm sẽ gây ùn tắc giao thông. Còn Trung tá Vũ Tuấn Anh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an quận Hà Đông cho hay: Nhiều phụ huynh chở con đến trường không đội mũ bảo hiểm khi bị yêu cầu dừng xe đã phản ứng, thậm chí quay đầu xe bỏ chạy gây mất an toàn giao thông...
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường liên cấp Tây Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng: Mặc dù công tác tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông, nhất là quy định phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi thường xuyên được nhà trường chú trọng, nhưng do ý thức của nhiều phụ huynh và học sinh còn hạn chế, trong khi nhà trường không có thẩm quyền xử phạt, chỉ nhắc nhở nên vi phạm vẫn tái diễn.
Phải bắt đầu từ phụ huynh
Nhằm từng bước nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhất là đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện, xe máy, ngay những tuần đầu của năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tổ chức cho học sinh học tập các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Nhiều trường học đã có những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Đơn cử, Trường Tiểu học Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây), sau lễ khai giảng năm học mới, nhà trường tổ chức phát động “Tháng An toàn giao thông” tới giáo viên, học sinh toàn trường, trao mũ bảo hiểm cho các em học sinh lớp 1. Ngoài ra, hằng ngày nhà trường ghi tên học sinh không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy đến trường làm căn cứ đánh giá thi đua của lớp; trao đổi với phụ huynh biết để cùng giáo dục con…
Ông Hoàng Tùng cho biết, về phía Trường liên cấp Tây Hà Nội thường xuyên áp dụng giải pháp tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh và học sinh với thông điệp “Trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy”; tăng cường lực lượng bảo vệ và giáo viên trực tiếp nhắc nhở phụ huynh khi chở con bằng xe máy đến trường phải đội mũ bảo hiểm.
Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, bên cạnh công tác tuyên truyền, giải pháp được các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai là tổ chức cho 100% học sinh ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, trong đó chú trọng việc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển hoặc ngồi trên xe máy điện, xe đạp điện, xe máy tham gia giao thông. Một số trường yêu cầu phụ huynh cam kết có trách nhiệm phối hợp với nhà trường để quản lý, giáo dục con em mình trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền (Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội) cho biết, lực lượng công an trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục, các nhà trường để giáo dục, xử lý nghiêm những trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Tuy vậy, để bảo đảm hiệu quả đồng bộ, cùng với việc giáo dục con em mình, các bậc phụ huynh cần nêu gương trong việc chấp hành pháp luật giao thông, đặc biệt là phải thực hiện nghiêm túc quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe máy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.