(HNM) - Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục phát sinh nhiều vụ xâm hại công trình thủy lợi. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2019-2020, việc quan trọng là cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân trong bảo vệ công trình thủy lợi…
Các hồ thủy lợi của Hà Nội không chỉ làm nhiệm vụ cắt lũ phòng, chống thiên tai mà còn tích nước tưới cho khoảng 1/3 diện tích sản xuất nông nghiệp của thành phố. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các hồ thủy lợi của Hà Nội liên tục bị xâm hại. Tại hồ Suối Hai, hộ ông Nguyễn Văn Thuận và Chu Văn Toàn, cùng trú ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) có hành vi đào, xây dựng móng công trình nhà ở và dựng lều quán trong phạm vi bảo vệ hồ. Công ty TNHH Phát triển Sinh Thái Xanh có hành vi đào, san gạt đất và trồng cây trong khu vực mái thượng, hạ lưu và vùng phụ cận chân đập hồ… Tại hồ Xuân Khanh, hộ ông Kiều Văn Minh, ở phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) có hành vi đổ đất, san gạt 3.600m2 lòng hồ để trồng cây…
Ngoài xâm hại công trình hồ, nhiều tuyến kênh trên địa bàn thành phố cũng bị lấn chiếm. Tại huyện Quốc Oai, hộ ông Cấn Văn Độ và Nguyễn Mạnh Hùng (cùng trú ở xã Cấn Hữu) có hành vi giăng lưới trong kênh tiêu Đầm Bung 2 để chăn nuôi vịt. Tại huyện Sóc Sơn, hộ gia đình các ông, bà: Nguyễn Trọng Đà, Phan Thị Thơm, Dương Văn Tý (cùng trú tại xã Mai Đình) có hành vi san gạt đất, trồng cây trong hành lang bảo vệ các tuyến kênh: Song Mai, Đống Gò…
Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 278 vụ xâm hại công trình thủy lợi; trong đó có 5 vụ xây dựng nhà ở trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, 4 vụ xây dựng nhà xưởng, 27 vụ dựng lều quán, 80 vụ xây dựng các công trình phụ… Điều đáng nói, đến nay, các địa phương mới xử lý được 50 vụ, tồn đọng 228 vụ. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho rằng, có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng vi phạm và tồn đọng các vụ vi phạm, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền địa phương chưa quan tâm tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân về tuân thủ quy định pháp luật, bảo vệ công trình thủy lợi... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy lợi, chính quyền cấp cơ sở chưa quyết liệt xử lý vi phạm…
Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Đào Mạnh Thủy khẳng định: “Do đơn vị không có chức năng xử phạt, nên khi phát hiện vi phạm, chỉ lập biên bản hiện trường rồi gửi hồ sơ, đề nghị cấp thẩm quyền xử lý. Việc chậm xử lý vi phạm là trách nhiệm của chính quyền cấp xã và cấp huyện…”.
Thừa nhận chưa quyết liệt xử lý, đại diện các xã Tản Lĩnh, Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì), Mai Đình (huyện Sóc Sơn)… cũng chỉ ra những khó khăn khi giải quyết dứt điểm vụ việc, như: Một số hộ dân xây dựng nhà ở nằm trong chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi nhưng trước đây đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc cưỡng chế, giải tỏa nhiều công trình vượt thẩm quyền của cấp xã…
Để ngăn chặn và xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn yêu cầu Chi cục Thủy lợi phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và chính quyền cơ sở trong thực hiện pháp luật thủy lợi; đồng thời, tham mưu cho Sở NN&PTNT quy định rõ hơn trách nhiệm của các cấp chính quyền và đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi… “Trước mắt, để bảo đảm đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2019-2020, các địa phương cần tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm cản trở dòng chảy, suy giảm năng lực trữ nước…”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.