Đời sống

Nâng cao nhận thức về vai trò của công tác dân tộc

Phùng Thị Ngọc Loan 25/06/2023 - 08:04

Trong các ngày từ 31-5 đến 21-6, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội tổ chức 6 lớp tập huấn về công tác dân tộc cho cán bộ và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ. Mục đích của đợt tập huấn này là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác dân tộc và tình hình thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô.

dan-toc-3.jpg
Người dân tộc thiểu số được giải đáp thắc mắc khi tham gia tập huấn.

Chú trọng tuyên truyền cho đồng bào dân tộc

Theo bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, thành phần tham gia các lớp tập huấn rất đa dạng. Ở cấp huyện thì có đại diện lãnh đạo và cán bộ Phòng Dân tộc các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Cấp xã gồm đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và cán bộ phụ trách công tác dân tộc ở các xã vùng dân tộc miền núi. Ở cấp thôn là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân và Chi hội Phụ nữ tại các thôn, cụm dân cư vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Ông Bùi Văn Sáu, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Âm, xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) cho biết, người trong diện tập huấn rất vui khi được tham gia từ 2 đến 3 đợt/năm để nghe các giảng viên trao đổi về công tác dân tộc. Thôn Đồng Âm có 648 nhân khẩu, trong đó có hơn 500 người dân tộc Mường. “Từ ngày mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008 đến nay, bà con dân tộc thiểu số luôn được thành phố đặc biệt quan tâm. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dân tộc của người dân và đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm khang trang đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự phấn khởi cho người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước” - ông Sáu chia sẻ.

Là người Mường và là Bí thư Chi bộ nên ông Bùi Văn Sáu luôn ý thức rõ về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về công tác dân tộc của bà con. Trong sinh hoạt chi bộ hằng tháng, ông Sáu lồng ghép các nội dung sinh hoạt chuyên đề để bà con chấp hành tốt các quy định, chính sách pháp luật của nhà nước. Vì thế, bà con rất quan tâm đến các hội nghị tập huấn, tiếp nhận nhiều thông tin hữu ích liên quan đến cuộc sống hằng ngày.

Ông Nguyễn Văn Hiện, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Rằng, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, chia sẻ: Tham dự lớp tập huấn này mọi người được tuyên truyền sâu rộng về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của thành phố trong việc thực các nhiệm vụ chính trị, các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, đáng chú ý là Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11-11-2021 của UBND thành phố về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, cùng với đó là kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn thành phố Hà Nội kể từ năm 2008 đến nay.

“Các nội dung tập huấn về công tác dân tộc rất trúng, sát với nhu cầu cần được bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cấp thôn, bản - nơi trực tiếp tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Thủ đô. Đội ngũ cán bộ thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô có nhu cầu lớn được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân” - ông Hiện cho hay.

Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền

Thực hiện Quyết định số 2472/QĐ-TTg ngày 28-12-2011 và Quyết định số 1977/QĐ-TTg ngày 30-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã cấp không thu tiền một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, các đối tượng được thụ hưởng các đầu sách báo đã nhận được một số loại báo, tạp chí như Báo Hànộimới, Báo Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Dân tộc, Bản tin Dân tộc, Báo Thiếu niên Nhi đồng miền núi, Tạp chí ảnh. Các báo, tạp chí trên đã góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 13-9-2012 về việc đưa thông tin về các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 - 2015 và giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện triển khai tại các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, đáng chú ý là nhiệm vụ triển khai thực hiện nội dung tăng cường bồi dưỡng cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở... UBND Thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai sâu rộng Đề án số hóa, truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 đến các xã vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay, các xã này đã có hạ tầng viễn thông băng rộng cố định và người dân trên địa bàn có thể truy cập dịch vụ internet; các trạm thu phát sóng thông tin di động được đầu tư xây dựng đảm bảo cho người dân sử dụng các dịch vụ thông tin thuận lợi.

Ông Nguyễn Phúc Hải, Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho biết, công tác tập huấn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của thành phố đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; khẳng định mối đại đoàn kết dân tộc giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc, miền núi Thủ đô. Công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ cơ sở và cộng đồng về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho cán bộ và các đoàn thể ở cơ sở trong việc tổ chức, triển khai các chính sách dân tộc ở địa phương.

Để nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, Ban Dân tộc Hà Nội sẽ bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của thành phố về công tác dân tộc và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Thủ đô, lựa chọn những nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, được các địa phương quan tâm. Ông Nguyễn Phúc Hải chia sẻ thêm, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố; giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nói trên, dựa trên các bài học kinh nghiệm đã được tổng kết sau 15 năm thực hiện công tác dân tộc và 8 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô từ nay đến năm 2030, thành phố xác định đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là một giải pháp quan trọng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các địa phương và toàn xã hội có trách nhiệm hành động thiết thực, cụ thể để phát triển toàn diện, nhanh, bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số để đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao nhận thức về vai trò của công tác dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.