Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững

Đình Hiệp| 06/06/2023 17:14

(HNMO)  - Trả lời ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) trong phiên chất vấn chiều 6-6, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, về việc nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số không muốn thoát nghèo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, qua nghiên cứu tài liệu của các bộ, ngành, địa phương liên quan và khảo sát thực tế, hiện tượng này có thật, xuất phát từ nhiều yếu tố.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn.

Di cư tự do bởi tập quán và kinh ttế

Theo đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn Yên Bái), hiện nay, chúng ta đã có nhiều chính sách định canh, định cư cho bà con dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, một bộ phận người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông, vẫn đang du canh, du cư, đời sống khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ giải pháp giúp bà con dân tộc thiểu số và miền núi định cư, ổn định cuộc sống trong thời gian tới. 

Đây cũng là vấn đề đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) quan tâm.

Đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn Yên Bái) đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Hầu A Lềnh khẳng định: Qua khảo sát, tình trạng di cư từ địa phương này sang địa phương khác không chỉ diễn ra đối với đồng bào dân tộc Mông, mà cả các dân tộc khác. Về tập quán, từ trước đến nay, đồng bào Mông di cư nhiều hơn, thường xuyên hơn, có trường hợp di cư đến nhiều địa bàn, nhiều tỉnh khác nhau. Hiện nay, có những hộ gia đình chưa có hộ khẩu ổn định nhưng đã di cư 3 đến 4 tỉnh. Đáng chú ý, nhiều nhóm cộng đồng dân cư có điều kiện sống rất tốt, được bố trí tái định cư sau thu hồi đất nhưng vẫn di cư, chủ yếu do tập quán và kinh tế.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng lý giải nguyên nhân và nêu ra các giải pháp cho tình trạng này. Đó là tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân; kịp thời nắm bắt, giải quyết vướng mắc để bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, khi triển khai tái định cư, cần xây dựng các dự án đầy đủ điều kiện, dịch vụ cơ bản để người dân ổn định cuộc sống. 

Tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số không muốn thoát nghèo, cận nghèo. Tâm lý này diễn ra khá phổ biến trên cả nước, nếu không có biện pháp xử lý thì công tác xóa nghèo của Nhà nước khó đạt hiệu quả.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) tranh luận tại phiên chất vấn.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, để giải quyết, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Nguyên tắc, tiêu chí giảm nghèo đã được ban hành. Để thống kê, tổng hợp, rà soát hộ nghèo trên phạm vi cả nước, các địa phương cần thực hiện một cách khách quan, trách nhiệm, đảm bảo người dân thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục để bà con hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện vươn lên.

“Hệ thống tiêu chí giảm nghèo còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, phụ thuộc vào yếu tố phát triển từng giai đoạn. Tiến tới, phải có những hệ thống tiêu chí phù hợp hơn, để người thoát nghèo sống tốt, không tái nghèo”, Bộ trưởng cho biết.

Giải quyết nhu cầu đất ở và sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số 

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề “nhức nhối” nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong thời gian tới.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, thiếu đất ở, đất sản xuất là vấn đề rất lớn. Qua rà soát, số hộ gia đình có nhu cầu đất ở là trên 24 nghìn hộ, có nhu cầu đất sản xuất là 43 nghìn hộ. Ủy ban Dân tộc đã trình Thủ tướng kế hoạch đến năm 2025, giải quyết 60% nhu cầu nhà ở cho người dân, giai đoạn 2026-2030 giải quyết 40% số còn lại. Trong đó, tập trung giải quyết nhà ở cho những vùng đồng bào khó khăn nhất, người dân ở đó chưa được hưởng chính sách nào.

Riêng về đất sản xuất, theo thống kê, một số địa phương còn quỹ đất để lập khu vực sản xuất tập trung cho người dân. Dù vậy, cũng có địa phương không còn quỹ đất để bố trí. Hiện nay, Chính phủ có chính sách giao cho các bộ, ngành, địa phương rà soát lại quỹ đất nông, lâm trường để dành một phần bố trí cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn.

“Các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện nhưng chậm. Thời gian tới, chúng tôi cùng với các bộ, ngành sẽ đẩy mạnh công việc này”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) quan tâm việc sớm nghiên cứu ban hành luật về hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) chất vấn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, từ năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ việc xây dựng dự luật này. Tuy nhiên, do công tác dân tộc liên quan nhiều lĩnh vực khác nên cần nghiên cứu thêm. Hiện, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì xây dựng dự luật trong nhiệm kỳ này. Ủy ban Dân tộc sẽ chuyển giao các tài liệu nghiên cứu cho Hội đồng Dân tộc.

“Quan điểm của tôi nếu có luật này sẽ rất tốt, nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ các chính sách về dân tộc, đồng thời nghiên cứu để không chồng chéo với các luật khác”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.