(HNM) - Bình đẳng giới là vấn đề được nước ta đặc biệt quan tâm, chú trọng. Thời gian qua, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều hoạt động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về bình đẳng giới, tạo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển...
Kết quả điều tra quốc gia mới nhất về bạo lực đối với phụ nữ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, trung bình cứ 3 phụ nữ, thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực (thể chất, tinh thần, tình dục, tài chính). Điều này có thể gây ra tổn thương cho người phụ nữ, ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi, tinh thần của trẻ em trong gia đình có phụ nữ bị bạo hành.
Có thể kể đến trường hợp chị H. (ở tỉnh Thanh Hóa, hiện làm việc ở phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vừa gửi đơn đến các cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm tố giác chồng cũ có hành vi bạo lực đối với chị. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin vào đầu tháng 9-2022, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc, còn cá nhân chị H. nhận được sự chia sẻ, trợ giúp về nhiều mặt. Cũng ở quận Bắc Từ Liêm, vào tháng 5-2022, các cơ quan chức năng tiếp nhận vụ việc chồng đánh vợ gây chấn thương nặng, khiến người vợ phải đi cấp cứu…
Đối với trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho biết, qua các vụ việc, bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, nạn nhân là trẻ em gái nhiều hơn trẻ em trai. Đó là minh chứng rõ nhất để thấy rằng, trẻ em gái là đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc, bảo đảm an toàn…
Tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em gái phát triển trong môi trường an toàn, bình đẳng, tiến bộ, các bên cùng phối hợp triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề này. Thông qua chương trình “Giáo dục thành viên trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, ngành Công an và Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, giải quyết kịp thời các vụ việc, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.
Dự kiến, từ năm 2025 trở đi, nội dung về giới, bình đẳng giới được ngành Giáo dục và Đào tạo đưa vào giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm.
Với vai trò quản lý nhà nước, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nỗ lực thực hiện hiệu quả Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3-3-2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030…
Thực tế cho thấy, để giải quyết tận gốc các vấn đề bất bình đẳng giới, mỗi người dân, nhất là nam giới cần thay đổi quan điểm, nhận thức về vai trò của từng giới trong gia đình, cộng đồng. Trên tinh thần đó, nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo, linh hoạt trong việc đưa kiến thức về giới vào đời sống. Tại Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các đơn vị liên quan, nòng cốt là Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội phối hợp với các ngành, tổ chức hội, đoàn thể quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho người dân ở cộng đồng, ưu tiên đối tượng tham gia là nam giới.
Thông qua nhiều hội nghị tập huấn được tổ chức tại cộng đồng từ đầu năm 2022 đến nay, nhận thức về giới của một bộ phận người dân chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Văn Huân, ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì) chia sẻ: “Tham gia hội nghị về bình đẳng giới, chúng tôi hiểu rõ hơn vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội, còn hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là vi phạm pháp luật”. Còn chị Trần Thị Ngạn, xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) nói: “Thay vì im lặng, chúng tôi sẽ lên tiếng phản ánh với các cơ quan chức năng, nếu không may bản thân bị bạo lực hoặc chứng kiến những người xung quanh bị bạo lực, bạo hành”.
Với trẻ em, thành phố Hà Nội chú trọng trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ; đồng thời xây dựng, nhân rộng mô hình thành phố an toàn, thân thiện cho trẻ em gái. Cách làm của thành phố Hà Nội cũng được nhiều tỉnh, thành phố triển khai. Tất cả cùng hướng đến mục tiêu chung là thúc đẩy bình đẳng giới, hạn chế thấp nhất tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.