(HNM) - Thời gian qua, nhằm giúp người tiêu dùng nắm bắt thông tin, địa chỉ nông sản sạch và bổ sung kiến thức về nhận diện thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị, tham quan thực tế khu sản xuất tại các trang trại, doanh nghiệp… Qua đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong lựa chọn thực phẩm an toàn cũng như nâng cao ý thức của các cơ sở sản xuất trong vấn đề này.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 60% nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn; số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu. Ngoài 128 siêu thị, 600 cửa hàng tiện ích, các kênh phân phối nông sản phần lớn qua các chợ đầu mối, chợ dân sinh… Tuy nhiên, phần lớn các mặt hàng bán tại chợ đầu mối, chợ dân sinh chưa có nguồn gốc xuất xứ do thương lái thu gom từ các nơi. Để giúp người tiêu dùng nhận diện nông sản an toàn, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức cho hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ các quận tham quan thực tế tại một số trang trại chăn nuôi, trồng trọt, trực tiếp nắm bắt quy trình sản xuất…
Là một trong những người trực tiếp tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn thành phố, bà Nguyễn Thị Vui ở quận Hai Bà Trưng bày tỏ: “Khi tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất và thưởng thức các món ăn chế biến từ thực phẩm an toàn ngay tại Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Hoàng Long (huyện Thanh Oai), tôi hoàn toàn tin tưởng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm”. Còn theo bà Trần Thị Nga ở quận Ba Đình cho hay: "Trước đây đi chợ mua thực phẩm về cho gia đình, tôi cứ nghĩ tươi là sạch và bảo đảm chất lượng, nhưng khi trực tiếp xem quy trình sản xuất thịt lợn sạch, rau an toàn trên địa bàn thành phố mới thấy mình hoàn toàn sai lầm. Để thực phẩm bảo đảm an toàn phải từ khâu chọn con giống đến quy trình chăm sóc không sử dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật…".
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hai Bà Trưng Nguyễn Hiền Phương thông tin thêm: Để mỗi gia đình hội viên có bữa ăn thực sự an toàn và chất lượng, hội đã phối hợp với các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội thảo, tham quan thực tế tại các trang trại. Thông qua đó, góp phần giúp hội viên phụ nữ hình thành thói quen tiêu dùng thông thái, chỉ mua nông sản, thực phẩm ở những địa chỉ uy tín đã được các cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận an toàn.
Ở góc độ nhà sản xuất, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Quốc Oai) Dương Thị Thu Huệ cho biết: Hiện nay, sản phẩm của công ty được bán ở siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhưng không ít người tiêu dùng còn băn khoăn về nguồn gốc. Việc các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đưa người tiêu dùng tới tham quan khu sản xuất là cơ hội tốt cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm; đồng thời, người tiêu dùng được nhận biết rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm của công ty bảo đảm an toàn, sản xuất theo công nghệ Nhật Bản tại Việt Nam.
Về hiệu quả của nâng cao nhận diện nông sản an toàn cho người tiêu dùng thông qua hội thảo và tham quan trực tiếp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát đánh giá: Các chương trình thực tế và hội thảo gắn kết người sản xuất với người tiêu dùng không chỉ nâng cao kỹ năng nhận diện thực phẩm sạch cho người dân mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, nâng cao uy tín cho nông sản an toàn. Để tạo niềm tin bền vững, người sản xuất cần tuân thủ đúng tiêu chuẩn an toàn đã lựa chọn và đăng ký với cơ quan chức năng, từ đó, nâng cao uy tín cho doanh nghiệp, trang trại, góp phần minh bạch thị trường...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.