Để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng nông sản, thực phẩm an toàn tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đặc biệt là tại thị trường Thủ đô, Hà Nội đang tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước xây dựng các chuỗi cung ứng bảo đảm chất lượng...
Nhiều nông sản an toàn đưa về Hà Nội tiêu thụ
Theo Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Kim (tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Nam Phong, trong nỗ lựcmở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ăn quả của Tiền Giang, 2 năm qua, Hợp tác xã Vĩnh Kim mở chi nhánh tại Hà Nội để đưa sản phẩm hàng hóa đặc sản tiêu thụ tại Thủ đô. Hiện nay, Hợp tác xã tiêu thụ tại thị trường Hà Nội khoảng 50-60 tấn quả/năm thông qua siêu thị, cửa hàng tiện ích, các đơn vị, doanh nghiệp chế biến nông sản.
Cũng về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Hiếu cho biết, thông qua sự hợp tác giữa tỉnh Tiền Giang và Hà Nội, thời gian qua, giữa 2 tỉnh, thành phố cũng đã xây dựng được 4 chuỗi với các sản phẩm thanh long, xoài, sầu riêng, vú sữa, sản lượng ước khoảng 1.200 tấn/tháng. Trong đó, 3 cơ sở được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP. Ngoài ra, 1 cơ sở đã đầu tư cửa hàng tại Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm với sản lượng ước khoảng 1000 tấn/năm.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Vương Đắc Hùng, hiện nay, toàn tỉnh có 46 nhãn hiệu được chứng nhận và bảo hộ trên thị trường; 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn. Thực hiện chương trình kết nối tiêu thụ nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội, đến nay, nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh Hòa Bình như: Cá Sông Đà, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, rau hữu cơ, gà đồi... đã cung ứng vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ tại Hà Nội, được người dân Thủ đô đánh giá cao.
Hà Nội là thị trường tiêu thụ tiềm năng đối với nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm bởi số dân đông, nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn rất lớn, thành phố Hà Nội đã triển khai ký kết với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay, trong quá trình hợp tác, việc kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm cũng được các tỉnh, thành phố chú trọng. Trong năm 2023, các đơn vị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã thực hiện lấy hơn 2.000 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó, 98% mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 650 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, kết quả có 60 cơ sở vi phạm, xử phạt với số tiền 185 triệu đồng.
Việc hợp tác kết nối theo Chương trình phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã và đang góp phần quan trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm trên địa bàn Hà Nội trong mọi tình huống.
Tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin
Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, xây dựng chuỗi liên kết để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, công tác phối hợp quản lý an toàn thực phẩm còn khó khăn, phần lớn sản phẩm nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội bán ở dạng thô hoặc qua sơ chế, ít sản phẩm có tem nhãn, mã vạch, mã số nên chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và thị hiếu tiêu dùng.
Để khắc phục khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Hà Thái (tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, Công ty tiếp tục đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, giám sát chất lượng để mang đến nhiều hơn nữa sản phẩm chè HATHAITEA đến người tiêu dùng Thủ đô, đồng thời tiếp cận hệ thống bán lẻ hiện đại để tiêu thụ sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Cần Thị Phong cũng cho biết, tỉnh Sơn La tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết; dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, cung cấp thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội. Cùng với đó, tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của Hà Nội trong lấy mẫu các mặt hàng nông lâm thủy sản; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật...
Về phía Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn; đẩy mạnh áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp thông tin hai chiều về những vấn đề "nóng": Tình hình dịch bệnh, các cơ sở an toàn dịch bệnh đủ điều kiện vệ sinh thú y, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm để thuận lợi trong công tác quản lý. Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản; duy trì chương trình giám sát sản phẩm sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản trên diện rộng; cảnh báo, đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm, hàng hóa lợi thế của địa phương, hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường Thủ đô vào dịp lễ Tết, mùa thu hoạch nông sản...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.