(HNM) - Theo Tổng cục Hải quan, nền kinh tế đã xuất siêu gần 2,7 tỷ USD giá trị hàng hóa trong quý I-2018, là kết quả vượt bậc so với cùng kỳ nhiều năm trước.
Hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục tìm cơ hội đầu tư, thông qua hợp tác với đối tác nội địa tại Việt Nam, trong đó có một số dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế tạo cơ khí đòi hỏi trình độ cao cũng như hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế là địa bàn sản xuất hàng xuất khẩu của một số hãng công nghệ nổi tiếng. Đơn cử, các dự án lắp ráp, tiến tới sản xuất ô tô gắn liền với định hướng xuất khẩu của hãng Mazda, Hyundai đã được định vị, triển khai ở Ninh Bình và Quảng Nam để sớm thực hiện việc xuất khẩu sang nước thứ ba.
Ảnh minh họa: Internet |
Nền kinh tế đang tập trung xuất khẩu một số mặt hàng, sản phẩm có thế mạnh, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường quốc tế, gồm sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo; nông - thủy sản. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, công tác phát triển thị trường đạt nhiều kết quả tích cực, đưa hàng Việt đến những thị trường truyền thống cũng như tìm thị trường mới. Đến nay, đã có 28 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Thông qua xuất khẩu, các doanh nghiệp duy trì được việc làm, thu nhập cho người lao động. Thời gian tới, Bộ sẽ chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận, tận dụng một số thời cơ để tăng cường xuất khẩu, như bám sát diễn biến và đón lõng việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, hoặc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sắp có hiệu lực, tận dụng cơ hội giảm thuế suất theo hướng lùi về 0% đối với hàng xuất khẩu của ta vào các thị trường đã cam kết cắt giảm thuế quan.
Tuy vậy, mục tiêu gia tăng kết quả xuất khẩu theo hướng nhanh và bền vững chưa bao giờ dễ dàng, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt. Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, hoạt động xúc tiến cần quan tâm thỏa đáng đến yếu tố thông tin về giá, qua đó nhà sản xuất có thêm dữ liệu để dự báo, đi đến quyết định đầu tư cho sản xuất ở mức độ hợp lý, có lợi cho mình và cộng đồng. Ngoài ra, chi phí cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu còn eo hẹp về kinh phí, dẫn đến sự hạn chế, lúng túng trong triển khai cụ thể. Việc thiếu vắng các trung tâm logistics trên địa bàn, hoặc khu vực cũng làm giảm cơ hội, đội giá thành, từ đó gây bất lợi đổi với mục tiêu tăng trường xuất khẩu.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, công tác nghiên cứu dự báo thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục được nhấn mạnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động xuất khẩu, góp phần nâng cao tổng kim ngạch xuất khẩu. Hoạt động xúc tiến sẽ hướng mạnh vào những mặt hàng quan trọng như sản phẩm công nghiệp chủ lực, chế biến, dệt may và nông - thủy sản... Các doanh nghiệp được khuyến cáo cần tập trung đầu tư cho việc chuyển đổi, áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu và tìm cách len chân vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để gia tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các ngành liên quan, tận dụng cơ hội khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, kêu gọi doanh nghiệp chủ động liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ; hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.