(HNMO) - Ngày 30-6, tại Hà Nội, Thư viện Quốc hội - Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Tọa đàm về chính sách bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp của một số nước khu vực châu Á - Kinh nghiệm đối với Việt Nam.
Từ đầu năm 2018, Bộ luật Hình sự sửa đổi đã thắt chặt các chế tài xử phạt. Tội phạm về động vật hoang dã có thể bị phạt tiền lên tới 15 tỷ đồng (tương đương với 630.000 USD) và bị phạt tù lên tới 15 năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được xem là điểm nóng về tiêu thụ và trung chuyển nhiều loài động vật hoang dã.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản cho biết, tại Việt Nam, việc bảo vệ động vật hoang dã đã có những tiến bộ và được quan tâm hơn. Gần đây nhất, ngày 28-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung yêu cầu cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam nhằm phòng, chống dịch, từ đó, hướng tới việc chấm dứt nhu cầu tiêu thụ trái phép sản phẩm từ động vật hoang dã tại Việt Nam.
Theo ông James Compton, Giám đốc cao cấp Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã - TRAFFIC, Việt Nam xếp thứ 16 trong số các quốc gia trên thế giới về mức độ đa dạng sinh học, nhưng sự suy giảm của các loài động vật hoang dã bản địa đang rung lên hồi chuông báo động. Vì vậy Việt Nam cần có những giải pháp bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái.
Bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, động vật hoang dã góp phần vào việc cân bằng hệ sinh thái, do đó, việc cấp thiết lúc này là nâng cao nhận thức của người dân về thiên nhiên để tránh những đại dịch trong tương lai. Bà Trần Thị Quốc Khánh cũng kiến nghị sớm xây dựng một luật về bảo vệ động vật hoang dã.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng tập trung thảo luận những kinh nghiệm từ các quốc gia về công tác bảo tồn, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã; tầm quan trọng trong thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông điệp, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về việc không tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã nguy cấp; đề xuất các giải pháp tăng cường hoạt động truyền thông trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.