(HNM) - Thời gian qua, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã, đang phát huy hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hoạt động của các hợp tác xã vẫn còn những khó khăn, hạn chế, bất cập. Cùng với sự nỗ lực của các hợp tác xã, thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đổi mới, tạo động lực phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình kinh tế này.
Nhiều khó khăn, hạn chế
Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) là xã có rất nhiều nghề thủ công truyền thống nên nhiều nông dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Trước thực tế này, Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ Quảng Phú Cầu (xã Quảng Phú Cầu) đã liên kết với Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) tổ chức sản xuất lúa theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, thu hút người nông dân quay trở lại với đồng ruộng.
Ngoài mô hình hiệu quả trên, theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố Hà Nội có 1.284 hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã này đã tạo việc làm, đưa nông dân trở thành công nhân lao động trên chính thửa ruộng của mình, góp phần đáng kể vào việc thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Điển hình như Hợp tác xã Công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì) sản xuất và tiêu thụ rau thủy canh có 100 thành viên liên kết sản xuất trên diện tích khoảng 120ha, sản lượng tiêu thụ theo hợp đồng là 450 tấn/tháng. Nhờ đó, đời sống của thành viên hợp tác xã ngày càng nâng cao...
Mặc dù các hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy hiệu quả rõ nét trong thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tuy nhiên, các mô hình này vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế. Một số hợp tác xã thiếu về cơ sở vật chất, quy mô sản xuất, kinh doanh còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của thành viên... Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, khó khăn hiện nay với đơn vị là công tác quản lý thị trường còn hạn chế, trong khi không phải người tiêu dùng nào cũng phân biệt được rau an toàn và không an toàn. Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (huyện Ba Vì) Tạ Viết Hùng, các hợp tác xã đều cần vốn để phát triển sản xuất nhưng việc tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi còn khó khăn. Thêm nữa, cán bộ và người lao động tại các hợp tác xã còn nhiều hạn chế trong tổ chức sản xuất cũng như quảng cáo và bán hàng...
Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động
Trước đòi hỏi từ thực tế, bản thân các hợp tác xã phải nỗ lực nhiều hơn để phát triển. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (huyện Ba Vì) Tạ Viết Hùng cho biết: "Khắc phục những khó khăn về thị trường đầu ra, cũng như nguồn vốn sản xuất, chúng tôi đã xây dựng mục tiêu chiến lược cụ thể theo giai đoạn. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới môi trường hoạt động, bảo đảm hấp dẫn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng, có năng lực mở rộng thị trường về làm việc...". Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, đơn vị sẽ tập trung nâng cao năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
Về phía chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn thông tin: Nhằm phát huy thế mạnh, Ứng Hòa sẽ hình thành các hợp tác xã sản xuất kinh doanh gắn với du lịch trải nghiệm nông thôn. Huyện sẽ hỗ trợ các hợp tác xã tổ chức lại sản xuất, xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả theo phương châm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa; lựa chọn cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất; phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ...
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Huyền cho biết: Năm 2020, Hà Nội đã hỗ trợ 5 mô hình hợp tác xã nông nghiệp liên kết sản xuất và liên kết chuỗi; đồng thời tổ chức 25 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp... Năm 2021 này, cùng với việc tăng cường tổ chức tập huấn, đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình, Hà Nội sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hợp tác xã; xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình, tiên tiến, nhất là các lĩnh vực ngành nghề mới, tạo điều kiện để các hợp tác xã mở rộng quy mô, phạm vi, địa bàn hoạt động...
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, thành phố Hà Nội cần nâng cao chất lượng hoạt động để hợp tác xã không chỉ sản xuất đơn thuần mà còn tạo ra những chuỗi liên kết trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm, làm gia tăng hiệu quả sản xuất. Chỉ riêng với gạo đã có rất nhiều thương hiệu. Tuy nhiên, gạo ngon lại có thêm câu chuyện sản phẩm hay, mẫu mã đẹp, chắc chắn sẽ được thị trường đón nhận nhiều hơn. Do đó, các hợp tác xã cần đổi mới tư duy làm nông nghiệp, làm thị trường để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.