Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone

Minh Vũ| 29/05/2021 07:31

(HNM) - Mô hình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (điều trị bằng Methadone) là hướng tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, nên được các cơ quan chức năng quan tâm duy trì, nhân rộng.

Cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội (bên phải) tư vấn điều trị bằng Methadone cho người nghiện ma túy.

Tiếp tục nhân rộng

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), việc điều trị bằng Methadone là giải pháp bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người nghiện ma túy, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường máu trong cộng đồng. Hình thức điều trị ngoại trú giúp cho cuộc sống của người sử dụng ma túy ít bị xáo trộn, có thể vừa điều trị, vừa đi làm. Cụ thể, những năm gần đây, hơn 90% số người điều trị bằng Methadone tự đánh giá chất lượng cuộc sống của họ ở mức tốt hơn sau khoảng thời gian điều trị từ 12 tháng trở lên; trong đó có hơn 70% số người có việc làm, thu nhập.

“Từ một người lệ thuộc vào ma túy, cuộc sống rơi vào những vòng xoáy tiêu cực, hiện nay, tôi đã có việc làm tại một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, với mức thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng”, anh V.A.T, phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), người duy trì điều trị bằng Methadone từ năm 2012 đến nay cho biết.

Đặc biệt, mô hình này đã góp phần làm giảm tỷ lệ tội phạm do người nghiện ma túy gây ra, từ 60,8% số người phạm tội trước khi điều trị, xuống còn 3,9% sau 1 tháng điều trị, tiếp tục giảm xuống còn 0,5% sau 6 tháng và 0,2% sau 1 năm điều trị. Ngoài ra, chi phí cho điều trị cai nghiện bằng Methadone ít hơn các hình thức điều trị cai nghiện khác, giúp tiết kiệm cho gia đình và xã hội...

Từ hiệu quả được kiểm chứng trong thực tiễn, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội quan tâm mở rộng mô hình điều trị bằng Methadone tại một số đơn vị, địa phương. Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Hoàng Văn Luật cho hay: “Chúng tôi vừa được các cơ quan chức năng cho phép thành lập cơ sở điều trị bằng Mathadone nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên chúng tôi chưa “kích hoạt” bộ máy hoạt động. Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực con người để bảo đảm chất lượng điều trị cai nghiện theo mô hình mới. Tôi tin, việc áp dụng mô hình điều trị đa chức năng (vừa điều trị cho các đối tượng nghiện ma túy theo hình thức cai nghiện bắt buộc, vừa điều trị bằng Methadone) tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện”.

Ngoài cơ sở nêu trên, Sở Y tế Hà Nội vừa công bố thêm cơ sở điều trị bằng Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức. Đây sẽ là địa chỉ điều trị cho các trường hợp cai nghiện tự nguyện trên địa bàn huyện Hoài Đức và các huyện lân cận... Như vậy, đến nay, Hà Nội có gần 20 cơ sở điều trị cai nghiện bằng Methadone đang hoạt động, tiến hành điều trị thường xuyên cho gần 5.000 lượt người. Phấn đấu trong năm 2021, lũy tích số người Hà Nội được điều trị bằng Methadone là 6.500 người.

Những vấn đề đặt ra

Methadone là chất trong nhóm opioids, được dùng thay thế cho ma túy trong chương trình quản lý bệnh nhân cai nghiện. Với người nghiện, uống Methadone sẽ giảm tình trạng nghiện, nhưng với người bình thường, khi uống chất này rất dễ gây ngộ độc kéo dài nhiều ngày, có thể dẫn tới ngừng thở, hôn mê, tử vong.

Để bảo đảm an toàn, 100% cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn Hà Nội duy trì phần mềm quản lý chương trình Methadone hằng ngày, thực hiện cập nhật bệnh nhân trên phần mềm, kết hợp cấp phát thuốc sử dụng phần mềm có quét mã vạch. Các cơ sở điều trị Methadone cũng tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ bệnh nhân tuân thủ điều trị duy trì, giảm tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị hoặc tái sử dụng chất dạng thuốc phiện; thực hiện giáo dục nhóm cho bệnh nhân về ma túy tổng hợp và các biện pháp can thiệp...

Tuy nhiên, trên thực tế, thuốc Methadone vẫn có nguy cơ bị sử dụng không đúng mục đích, không bảo đảm an toàn. Chẳng hạn, cuối tháng 4-2021, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân H.Q.Đ (nam, 15 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp do ngộ độc Methadone. Nguyên nhân là vì bệnh nhân H.Q.Đ uống dung dịch Methadone màu hồng để trong tủ lạnh của gia đình, vì nhầm tưởng đó là nước giải khát.

Trước đó, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) từng tiếp nhận và điều trị cho một số trường hợp bị ngộ độc do uống nhầm Methadone. Những vụ việc này là hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng Methadone để điều trị cai nghiện sao cho an toàn đối với người nghiện ma túy và cộng đồng.

Ngoài ra, một vấn đề khác cần quan tâm là, điều trị bằng Methadone chỉ có tác dụng tích cực đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Trong khi đó, hiện đa số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở Hà Nội cũng như trên phạm vi cả nước là do sử dụng ma túy tổng hợp.

Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội và các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone. Cùng với đó, các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tác dụng của việc điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone đến đông đảo người dân, giúp họ hiểu đúng, sử dụng đúng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.