Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện: Huy động nguồn lực cộng đồng

Mai Hạnh| 20/06/2020 07:18

(HNM) - Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ người nghiện ma túy đi điều trị cai nghiện, thành phố Hà Nội còn huy động nguồn lực từ cộng đồng để nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Điều này được ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho biết tại hội thảo chia sẻ về công tác cai nghiện ma túy do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa tổ chức nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2020 (từ ngày 1 đến 30-6).

Học viên nữ tham gia sản xuất tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội.

Đa dạng hình thức hỗ trợ điều trị

Hiện nay, tình hình tệ nạn ma túy đang có chiều hướng phức tạp, số người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng tăng cao, có xu hướng trẻ hóa, nhất là trong thanh, thiếu niên, học sinh. Trong khi đó, công tác cai nghiện ma túy đã và đang gặp nhiều khó khăn do những bất cập trong quy định của văn bản pháp luật. Trong công tác cai nghiện bắt buộc, việc xác định tình trạng nghiện còn nhiều vướng mắc, chưa có các chính sách thu hút các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế tiếp nhận người sau cai vào làm việc nhằm tạo công ăn việc làm ổn định, hòa nhập cộng đồng.

Ông Phùng Quang Thức cho biết, bên cạnh việc thực hiện các quy định chung theo quy định của pháp luật, định hướng đổi mới công tác cai nghiện ma túy của Chính phủ, trong những năm vừa qua, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, nhân rộng nhiều mô hình quản lý, hỗ trợ người cai nghiện ma túy và quản lý sau cai. Hiện tại, thành phố có 7 cơ sở điều trị cai nghiện ma túy công lập (1 cơ sở thực hiện chức năng cai nghiện tự nguyện, 3 cơ sở cai nghiện bắt buộc, 3 cơ sở điều trị đa chức năng). Các cơ sở này đang tiếp nhận, điều trị cho hơn 3.000 học viên.

Trong quá trình cai nghiện, học viên vừa được điều trị cai nghiện, chăm sóc sức khỏe, vừa được trang bị kỹ năng dự phòng tái nghiện và tìm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng. Giai đoạn 2016-2020, các cơ sở cai nghiện ma túy đã tổ chức dạy nghề sửa chữa điện dân dụng, may công nghiệp, hàn, xây dựng… cho hơn 1.300 học viên.

Hình thức cai nghiện tự nguyện cũng thu hút nhiều người tham gia. Từ đầu năm 2016 đến nay, các đơn vị, địa phương đã động viên, hỗ trợ gần 10.000 lượt người đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện công lập. Ngoài ra, 3 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện ngoài công lập trên địa bàn thành phố cũng điều trị cai nghiện cho gần 5.000 lượt người, vượt xa so với kế hoạch đề ra.

Đối với người nghiện ma túy áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, thành phố đã hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ để hỗ trợ điều trị cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc điều trị thay thế bằng Methadone trên cơ sở đăng ký của người nghiện. Trong trường hợp xã, phường, thị trấn không đủ điều kiện để tổ chức điều trị cai nghiện, thì các địa phương sẽ phối hợp với cơ sở cai nghiện ma túy hỗ trợ điều trị cắt cơn cho người cai nghiện trong 15 ngày, sau đó về địa phương quản lý, giúp đỡ. Với hình thức này, Hà Nội có khoảng 2.500 lượt người được hỗ trợ điều trị trong giai đoạn 2016-2020, đạt 168% kế hoạch đề ra.

Nhờ các biện pháp đã triển khai, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn Hà Nội giảm dần, từ gần 21.000 người năm 2010, xuống còn hơn 13.000 người vào cuối tháng 5-2020. 

Nhân rộng mô hình hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng

Hiệu quả của việc triển khai đồng bộ các biện pháp, hình thức hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo ông Phùng Quang Thức, công tác cai nghiện ma túy còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Dễ nhận thấy là một bộ phận người dân vẫn cho rằng, người nào đã nghiện ma túy thì không thể cai được hoặc đã đi cai nghiện về, sau đó lại tái nghiện…

Về chính sách, pháp luật, ông Phùng Quang Thức cho biết, một số điều của các chính sách liên quan đến công tác cai nghiện còn thiếu thống nhất, khiến các ngành, địa phương khó thực thi. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương chưa kịp thời, sâu sát; việc thực hiện các chỉ tiêu cai nghiện và quản lý sau cai có nơi còn mang tính hình thức; tỷ lệ người nghiện được hỗ trợ học nghề, vay vốn, tạo việc làm còn thấp, nên công tác hỗ trợ điều trị cai nghiện chưa đạt hiệu quả bền vững…

Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện, năm 2019, Hà Nội đã triển khai mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng” ở phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm); mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” ở phường Cầu Diễn, Mỹ Đình 1, Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) và phường Bồ Đề, Ngọc Lâm, Ngọc Thụy (quận Long Biên). Qua đó, các cơ quan chức năng đã chuyển gửi hàng trăm người nghiện ma túy đến các dịch vụ xét nghiệm, điều trị dự phòng HIV, điều trị Methadone, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm, điều trị sức khỏe tâm thần…

Các mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện tại cộng đồng cũng góp phần tạo điều kiện cho người nghiện có cơ hội sử dụng đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ cần thiết, nâng cao hiệu quả phòng, chống tái nghiện, từng bước hòa nhập cộng đồng…

Trước những hiệu quả đã được khẳng định, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về triển khai mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì năm 2020. Dự kiến, kinh phí để thực hiện mô hình mới là gần 500 triệu đồng, được huy động từ nhiều nguồn. Theo hướng này, Hà Nội phấn đấu hoàn thành mục tiêu hỗ trợ cai nghiện cho hơn 6.000 người trong năm 2020, từng bước giảm thiểu tác hại do ma túy gây ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện: Huy động nguồn lực cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.