Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn

Tuấn Việt| 22/12/2022 18:57

(HNMO) - Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra đầu tháng 12-2022.

Nghị quyết có phụ lục về từng nội dung cam kết và tiến độ, thời gian thực hiện cam kết của lãnh đạo UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị, làm cơ sở cho công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát sau khi nghị quyết được ban hành. Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình chất vấn về hoạt động xử lý nước thải làng nghề.

Nghiêm túc và trách nhiệm cao

Nghị quyết của HĐND thành phố nêu rõ, sau một ngày tập trung, nghiêm túc và trách nhiệm cao, với tinh thần tiếp tục đổi mới, HĐND thành phố đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng, hiệu quả.

Các đại biểu HĐND thành phố đã tập trung chất vấn, tái chất vấn đối với 3 nhóm vấn đề trọng tâm, gồm: Tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, các cam kết, lời hứa của UBND thành phố và các cơ quan tại kỳ họp thứ ba, kỳ họp thứ bảy HĐND thành phố liên quan đến một số dự án đầu tư; chất vấn về công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải; chất vấn về nhóm vấn đề thoát nước trên địa bàn thành phố.

Nội dung chất vấn, tái chất vấn của đại biểu HĐND thành phố thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của HĐND, đồng thời là sự chia sẻ, đồng hành với UBND thành phố trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và nhân dân Thủ đô.

Cũng trong nghị quyết, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố, giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; các ban quản lý dự án và cơ quan đơn vị có liên quan tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, có các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực được chất vấn và tái chất vấn tại kỳ họp.

Trong đó, đối với việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư (gồm dự án đầu tư công và dự án ngoài ngân sách) trên địa bàn thành phố, nội dung này đã được HĐND thành phố giám sát, tái giám sát và chất vấn tại kỳ họp thứ ba, tái chất vấn tại kỳ họp thứ bảy của HĐND thành phố. UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện và có một số kết quả chuyển biến; tuy nhiên, việc triển khai một số nội dung cam kết và kết luận chất vấn còn chậm, chưa đạt được như mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Vì thế, HĐND thành phố tiếp tục đề nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo các ngành tổ chức thực hiện rà soát có kế hoạch, lộ trình, tiến độ cụ thể đối với từng dự án được HĐND thành phố tái chất vấn, hoàn thành các nội dung công việc có cam kết cụ thể về thời gian của UBND thành phố và các ngành. Đánh giá rõ các nguyên nhân, tồn tại để có biện pháp xử lý phù hợp, nhất là đối với các dự án còn vướng mắc về quy hoạch, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh dự án và năng lực chủ đầu tư triển khai thực hiện…

Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương chất vấn về các dự án chậm triển khai.

Tập trung chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư đã đủ điều kiện; đôn đốc các chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm hoàn thành dự án.

Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tăng cường quản lý, giám sát tiến độ đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai thi công; định kỳ đánh giá đầu tư bảo đảm quản lý chặt chẽ từ khi nghiên cứu lập dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đến khi thực hiện xong dự án đầu tư theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và nguồn lực đất đai của địa phương.

Đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, UBND thành phố tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư để triển khai dự án; tăng cường công tác giám sát đầu tư, đôn đốc triển khai thực hiện dự án; kiên quyết thu hồi dự án có các nhà đầu tư kém năng lực, cố tình không triển khai thực hiện và kịp thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng với phương châm là rà soát rõ đến đâu công khai luôn đến đó.

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư và lĩnh vực đất đai; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao của từng đơn vị, đến từng cá nhân theo tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ lộ trình hoàn thành; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, UBDN các quận, huyện có liên quan và chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, đôn đốc triển khai theo tiến độ.

Đặc biệt, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố tổ chức triển khai, thực hiện hoàn thành các cam kết của UBND thành phố và các sở, ban, ngành, UBND  các quận, huyện và các đơn vị liên quan tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu Trần Hợp Dũng chất vấn về các dự án đầu tư vốn ngân sách chậm triển khai.

Mốc cam kết để cử tri cùng giám sát

Trong đó, đối với dự án “Tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì” (công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020), đã cam kết việc dẫn nước sông Đà vào sông Tích cuối tháng 12-2022, hoàn thành thi công các công trình phụ trợ và toàn bộ đoạn 1 giai đoạn I dự án trong năm 2023. Tiếp tục triển khai giai đoạn II, báo cáo Thành ủy, trình HĐND thành phố bổ sung trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Dự án Nhà máy xử lý rác Châu Can (huyện Phú Xuyên) đã cam kết trong tháng 1-2023, hoàn thành thủ tục chấm dứt đầu tư dự án. Trong quý I-2023, UBND thành phố xem xét, quyết định kế hoạch tổng thể về chủ trương tiếp tục triển khai dự án phù hợp với yêu cầu về quy mô, công nghệ, nguồn vốn.

Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Núi Thoong (huyện Chương Mỹ) đã cam kết triển khai giai đoạn 1 của dự án theo quy hoạch tại quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25-4-2014 (công suất đốt 450 tấn/ngày - đêm): khởi công nhà máy trong quý III-2023, hoàn thành quý II-2025. Chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12-2022 để điều chỉnh cục bộ quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành điều chỉnh trong quý IV-2023; trên cơ sở quy hoạch được điều chỉnh, triển khai giai đoạn 2 của dự án (công suất đốt 1.550 tấn/ngày - đêm).

Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) đoạn Km19+900 - Km41+500 theo hình thức hợp đồng BT đã cam kết chỉ đạo nhà đầu tư tập trung xử lý, hoàn thiện các thủ tục đầu tư liên quan cơ bản xong trong quý I-2023; giao UBND các huyện liên quan tập trung thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng; đồng bộ hoàn thành tuyến Mỹ Đình - Bái Đính - Ba Sao; phấn đấu hoàn thành xong dự án trước năm 2025.

Dự án Trụ sở giao dịch và khách sạn (số 6 Đào Duy Anh, quận Đống Đa) đã cam kết bàn giao mặt bằng dự án trong tháng 12-2022 cho UBND quận Đống Đa. UBND quận Đống Đa xây dựng trường học, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.

Trụ sở văn phòng tại số 31, 33, 35 phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) cam kết Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận Hoàn Kiếm hoàn thành lập Đồ án thiết kế đô thị khu vực đường Lý Thường Kiệt để cấp có thẩm quyền phê duyệt muộn nhất trong quý III-2023, báo cáo UBND thành phố làm căn cứ triển khai dự án. UBND quận Hoàn Kiếm làm việc với nhà đầu tư về kế hoạch, lộ trình thực hiện dự án, báo cáo Thường trực HĐND thành phố trước ngày 15-1-2023 để thông tin đến đại biểu HĐND thành phố.

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng chất vấn về lĩnh vực vệ sinh môi trường.

Quan tâm giải quyết tồn tại lĩnh vực môi trường

Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố, HĐND thành phố cũng yêu cầu UBND thành phố rà soát trình  HĐND thành phố quyết định tập trung nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và dự án xử lý nước thải theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cần xác định rõ tính cấp thiết để ưu tiên đầu tư để tập trung nguồn lực về vốn, chỉ đạo tập trung thực hiện theo tiến độ yêu cầu đã xác định tại Kế hoạch 312/KH-UBND ngày 28-12-2021 của UBND thành phố; đối với những dự án còn lại chưa được bố trí nguồn lực để thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2025, yêu cầu tiếp tục nghiên cứu đầu tư và cơ bản hoàn thành trong nhiệm kỳ 2025-2030.

Chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì thẩm định các đồ án quy hoạch yêu cầu các khu đô thị, khu nhà ở phải có quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải quy mô phù hợp, đảm bảo yêu cầu về xử lý nước thải theo quy định. Chỉ đạo ban hành hướng dẫn cụ thể các nội dung khi chuyển tiếp thực hiện tổ chức phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố.

Rà soát thống kê hệ thống hồ điều hòa trên địa bàn thành phố (bao gồm các hồ chưa kết nối vào hệ thống thoát nước đô thị trong các khu đô thị mới) để có giải pháp hoạt động các hồ điều hòa; có giải pháp khai thác, sử dụng các hồ trong các công viên, khu đô thị mới tham gia điều hòa, thoát nước đô thị và điều tiết lượng nước mưa chảy vào mạng lưới thu gom giúp giảm thiểu trình trạng ngập úng tức thời. Tập trung giải quyết việc kết nối thoát nước giữa các khu đô thị, hệ thống chung của khu vực và thành phố.

Chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã phối hợp, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình thoát nước và công trình xử lý nước thải. Kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND thành phố chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Rà soát Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10-5-2013; Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 937/QĐ-TTg ngày 1-7-2009; trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung về quy hoạch thoát nước đô thị phù hợp với quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và biến đổi khí hậu, cập nhật vào đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp, HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp dự án thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp; các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng, các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải nguy hại, chất thải rắn đúng quy định Luật Bảo vệ môi trường.

Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện giám sát dữ liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục; đánh giá kết quả quan trắc nước thải tự động, liên tục và so sánh với giá trị tối đa cho phép các thông số ô nhiễm theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải; theo dõi, kiểm tra việc khắc phục trong trường hợp dữ liệu quan trắc bị gián đoạn; phát hiện thông số giám sát vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất biện pháp xử lý theo quy định.

Chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, chậm nộp, không kê khai số liệu tính phí.

Về xử lý nước thải làng nghề, UBND thành phố cần chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, quận, huyện, thị xã và đơn vị có liên quan thực hiện: Rà soát, lập và trình kế hoạch chuyển đổi ngành nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi làng nghề theo quy định. Khuyến khích di dời sản xuất từ làng nghề vào cụm công nghiệp, khắc phục tình trạng các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoạt động trong khu dân cư.

Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát xây dựng danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn Thành phố; rà soát việc tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường tại các làng nghề truyền thống đã được công nhận; kiên quyết thu hồi bằng công nhận nếu không đáp ứng đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường làng nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.