(HNMO) - Ngày 23-7, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản chủ trì hội thảo.
Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá kết quả chỉ số PAPI của thành phố Hà Nội giai đoạn từ năm 2011 (năm đầu tiên áp dụng trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước) đến năm 2018 trên các trục nội dung: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, qua hơn 30 năm đổi mới, Hà Nội đang dần trở thành một siêu đô thị phát triển nhanh, năng động của khu vực và thế giới, là điểm đến thân thiện, là nơi kinh doanh thành công của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước bởi những tiềm năng, lợi thế riêng có. Trong quá trình xây dựng, phát triển, chỉ số PAPI của Hà Nội là vấn đề được đặc biệt quan tâm để có các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của thành phố trong thời gian tới. Lãnh đạo thành phố luôn lắng nghe, cầu thị; mong muốn các đại biểu dự hội thảo chỉ rõ tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và hiến kế cho thành phố nhằm cải thiện Chỉ số PAPI trong thời gian tới.
Nhấn mạnh chỉ số PAPI của Hà Nội tuy đã được cải thiện qua mỗi năm, nhưng nhiều đại biểu nhận định, Hà Nội vẫn là địa phương trong nhóm các tỉnh, thành phố có thứ tự xếp hạng thấp nhất cả nước (năm 2018 xếp thứ 56/63).
Nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt nhận xét, điểm và vị trí xếp hạng của Hà Nội đối với chỉ số PAR Index (chỉ số cải cách hành chính) và PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) có biến đổi rất rõ theo chiều hướng tích cực trong những năm qua nhưng chỉ số PAPI (cả ở điểm số và vị trí xếp hạng) thì biến đổi rất chậm, chỉ 3 năm gần đây mới có khá hơn một chút. Điều đó có nghĩa là việc điều hành kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh và công tác cải cách hành chính của chính quyền thành phố được đánh giá ngày càng tốt hơn nhưng hiệu quả quản trị và hành chính công của chính quyền thành phố (thông qua chỉ số PAPI) thì chưa được người dân ghi nhận và đánh giá tốt.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chuyên gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam quan tâm đến nội dung “trách nhiệm giải trình với người dân” hay nội dung “quản trị môi trường” (đạt 3,58 điểm) của Hà Nội còn chưa đạt điểm cao. Mặc dù UBND thành phố đã chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao chất lượng bộ phận "một cửa"; lập nhiều đoàn thanh tra công vụ kiểm tra đột xuất và theo vụ việc.., song điểm công khai, minh bạch cũng đạt mức trung bình thấp -5,09 điểm. Để cải thiện các con số này, thành phố cần xây dựng và phát triển chính quyền điện tử ở tất cả các cấp; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tư duy của cán bộ, công chức.
Ở góc nhìn khác, Giám đốc Viện Xã hội học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) Bùi Phương Đình nêu khó khăn của Hà Nội trong việc cải thiện chỉ số PAPI đó là việc khảo sát đánh giá chỉ số này qua dân cư trú, trong khi thành phố lại có luồng dân di cư mạnh mẽ.
“Hà Nội không nên lo ngại về vị trí xếp hạng, mà cần tập trung cải thiện thực chất hiệu quả quản trị, bởi nếu không sẽ rất dễ rơi vào bệnh thành tích, mà không có được kết quả thực chất”, ông Bùi Phương Đình khuyến nghị.
Các đại biểu cũng lưu ý, chỉ số PAPI hình thành dựa trên ý kiến đánh giá từ phía người dân với tư cách là đối tượng phục vụ của bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, nhiều cơ sở chưa hiểu rõ về chỉ số này để tập trung khắc phục những chỉ số thành phần còn thấp. Do vậy, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở trong việc cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI.
Thay mặt Ban tổ chức hội thảo, TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, Ban tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý, xây dựng báo cáo đề xuất những định hướng cần thực hiện ngay trong thời gian tới trình UBND thành phố để góp phần cải thiện chỉ số phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.