(HNM) - Tổng cục Ðường bộ Việt Nam vừa công bố đề án đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm tai nạn giao thông.
Đề án này hướng tới gắn "sao" cho dịch vụ vận tải hành khách và lập sàn giao dịch về vận tải hàng hóa để công khai, minh bạch. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, khâu hậu kiểm hoạt động này không dễ, thậm chí có thể dẫn tới tiêu cực…
"Gò" doanh nghiệp vào khuôn khổ
Khoảng 10 năm trở lại đây, dịch vụ vận tải đường bộ là lĩnh vực được xã hội hóa mạnh và có sự phát triển rất "nóng". Cả nước hiện có gần 2.700 doanh nghiệp (DN), 586 hợp tác xã và hàng chục nghìn hộ kinh doanh vận tải với gần 103 nghìn xe khách và 620 nghìn xe tải các loại. Tuy nhiên, hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, điều hành yếu kém. Tai nạn giao thông do ô tô gây ra còn nhiều. Nhằm khắc phục những bất cập nói trên, đề án sẽ nghiên cứu, xây dựng bộ quy chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải với các loại hình vận tải đường bộ và được lượng hóa bằng cách tính điểm. Theo đó, sẽ có 5 loại "sao" với thang điểm cao nhất là 100 điểm, dựa trên năm tiêu chí cơ bản: chất lượng phương tiện (mức cao nhất là 40 điểm); lái xe và nhân viên phục vụ trên xe (20 điểm); hành trình (10 điểm); tổ chức, quản lý của đơn vị vận tải (20 điểm), quyền lợi của hành khách (10 điểm). Bộ tiêu chí này sẽ được công bố công khai và sẽ có hội đồng chấm điểm sau khi DN nộp hồ sơ đăng ký và DN được xếp hạng sẽ được cập nhật, công bố công khai để hành khách lựa chọn. Mục đích của việc đánh giá, gắn sao DN vận tải theo các tiêu chí trên nhằm sàng lọc, hạn chế DN vận tải yếu kém, đồng thời có cơ chế khuyến khích DN làm tốt. Việc phân loại này cũng là cơ sở để quy định DN đủ điều kiện hoạt động trên các tuyến vận tải. Chẳng hạn, DN 4-5 "sao" mới được chạy tuyến Bắc - Nam, tuyến vận tải quốc tế; DN có chất lượng dịch vụ kém hơn sẽ bị khống chế chạy giữa hai tỉnh hoặc nội tỉnh…
Vận tải hàng hóa là một trong hai lĩnh vực cần tập trung chấn chỉnh được đề cập trong đề án. Ngoài việc xây dựng quy trình quản lý an toàn giao thông, TCĐBVN và Sở GTVT các địa phương sẽ xây dựng trang thông tin điện tử để chủ hàng và đơn vị vận tải đăng tải miễn phí thông tin về năng lực vận tải, giá cước, nhu cầu nguồn hàng. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ có khuyến cáo cho chủ hàng lựa chọn, ký hợp đồng vận chuyển với những đơn vị vận tải đã thực hiện tiêu chuẩn và quy trình an toàn, tiến tới quy định chỉ những đơn vị đã thực hiện công tác này mới được tham gia vận tải quốc tế, vận tải đường dài (từ 500km trở lên); những đơn vị chưa thực hiện chỉ được phép kinh doanh vận tải đường ngắn trong nước. Ước tính sơ bộ, sẽ cần khoảng 20 tỷ đồng để xây dựng cả "phần cứng" và "phần mềm" thực hiện đề án, với lộ trình từ nay đến năm 2015.
Liệu có nảy sinh tiêu cực?
Ý tưởng của đề án có nhiều đổi mới, nhưng chưa chắc đã khả thi là quan điểm được đại diện một số DN vận tải đưa ra. Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, kinh doanh vận tải không giống như kinh doanh du lịch lữ hành và dịch vụ khách sạn. Khách sạn có thể gắn 4-5 sao vì cơ sở hạ tầng tại chỗ và có thể nhìn thấy được. Vận tải là một lĩnh vực khác. Liệu cơ quan quản lý có cập nhật và phân định rõ ràng về chất lượng xe, ứng xử của đội ngũ lái, phụ xe khi xe liên tục chạy trên đường. Đây là điều rất khó. Trước đây, TCĐBVN đã nghiên cứu cấp thương hiệu xe chất lượng cao, cấp chứng chỉ cho lái phụ xe nhưng không thành công. Để nâng cao chất lượng vận tải, điều cần thiết là phải tái cơ cấu lại ngành vận tải. Khi DN vận tải phát triển, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh thì tự các đơn vị này sẽ loại bỏ những DN yếu kém.
Đại diện một số DN cho rằng, việc phân loại, gắn "sao" sẽ dễ nảy sinh tiêu cực khi chưa có cơ quan, hội đồng độc lập đánh giá, hậu kiểm. Sẽ ra sao nếu DN tìm đủ mọi cách để nâng "sao", qua đó đánh lừa hành khách. DN hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Mà muốn có lợi nhuận, không có cách nào khác là phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, định hình được thương hiệu giữa các DN để nâng sức cạnh tranh. Thực tế cho thấy, có nhiều DN dù chưa có "sao" nhưng rất nổi tiếng, như Tập đoàn Mai Linh, Phương Trang, Văn Minh, Hưng Thành… bởi nhiều năm qua họ luôn nỗ lực xây dựng thương hiệu, vì quyền lợi của khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng TCĐBVN chia sẻ, hiện nay có tình trạng DN vận tải tự gắn "sao", nhưng không dựa trên tiêu chuẩn nào. Việc có bộ quy chuẩn thống nhất để gắn "sao", xếp hạng tạo sự thống nhất trong quản lý và để hành khách có thể lựa chọn dịch vụ. Cơ quan quản lý sẽ cùng người dân giám sát được chất lượng dịch vụ bởi theo đề án, cũng sẽ xây dựng hệ thống tiếp nhận thông tin phản ánh của hành khách qua đường dây nóng, qua trang web trực tuyến và kiểm tra xử lý trên cơ sở các tiêu chí đã được quy định, công bố. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.