Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các hợp tác xã: Cần có giải pháp tháo gỡ

Bạch Thanh| 08/05/2023 07:24

(HNM) - Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các hợp tác xã. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn của cán bộ các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội hiện còn thấp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và số hóa. Trong khi đó, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã lại gặp nhiều khó khăn và chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, thành phố Hà Nội cần dành sự quan tâm, có giải pháp để gỡ khó cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các hợp tác xã.

Thành phố Hà Nội đã và đang tìm nhiều giải pháp để gỡ khó cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các hợp tác xã.

Hầu hết cán bộ chưa được đào tạo

Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã Hà Nội, trình độ, kỹ năng và kiến thức của đội ngũ cán bộ hợp tác xã hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Chỉ có khoảng 20% cán bộ hợp tác xã có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học, còn lại là được đào tạo qua các lớp ngắn hạn… Không những vậy, các lớp đào tạo chuyên sâu cho cán bộ hợp tác xã về các nghiệp vụ như kiểm toán nội bộ, công nghệ, số hóa hợp tác xã… cũng chưa có.

Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho biết, trình độ chuyên môn của cán bộ hợp tác xã trên địa bàn huyện chủ yếu là trung cấp trở xuống. Trong số 394 cán bộ hợp tác xã, chỉ 28 người có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Tương tự, tại huyện Ba Vì, trong số 352 cán bộ hợp tác xã, chỉ 7 người có bằng đại học trở lên. Ở thị xã Sơn Tây, trong số 287 cán bộ hợp tác xã, có gần 30 người đạt trình độ chuyên môn từ đại học trở lên…

Là hợp tác xã có sự đầu tư lớn cho nhân lực, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh chia sẻ, để đưa công nghệ mới vào quản lý, vận hành hợp tác xã thì đội ngũ cán bộ từ giám đốc, kế toán, kiểm soát… phải có trình độ cao. Hơn nữa, việc đổi mới kinh doanh, mở rộng thị trường và tiếp cận các chuỗi giá trị mang tính quy mô vùng, lãnh thổ, đòi hỏi cán bộ hợp tác xã phải có kiến thức chuyên môn về quản lý, tiếp thị và phát triển kinh doanh... Thế nhưng, trình độ của cán bộ hợp tác xã hiện vẫn còn hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực thương mại, số hóa.

Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình cho rằng, quản lý, điều hành hợp tác xã không đơn thuần là tối ưu hóa lợi ích như các loại hình kinh tế khác mà còn phải bảo đảm lợi ích cộng đồng, phục vụ các nhiệm vụ an sinh, chính trị, xã hội tại địa phương. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực phải mang tính chuyên biệt, không thể đưa một cán bộ hợp tác xã đi học “ghép” với các chương trình đào tạo thông thường.

Cần dành nguồn lực thỏa đáng

Ông Nguyễn Quang Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, hỗ trợ và phát triển hợp tác xã doanh nghiệp vừa và nhỏ (Liên minh Hợp tác xã Hà Nội) nhận định, nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo cán bộ cho các hợp tác xã vẫn chưa được bảo đảm, hầu như không có. Chính vì vậy, nhiều năm nay, các chương trình đào tạo cho cán bộ hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội không được triển khai.

Còn Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, cần dành nguồn lực xứng đáng cho công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ hợp tác xã. Đặc biệt, cần xây dựng các chương trình đào tạo chuyên nghiệp, chuyên sâu; đồng thời, nâng cao kiến thức về quản lý hợp tác xã, kinh doanh, marketing, quản lý tài chính… Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn để cán bộ hợp tác xã có thể cập nhật kiến thức mới nhất về kinh doanh, quản lý, pháp luật, chuyển đổi số...

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội sẽ tăng cường hợp tác với các đơn vị đào tạo chuyên ngành, đặc biệt là các trường đại học và cao đẳng có chuyên ngành liên quan đến kinh tế, quản lý, phát triển nông thôn và kỹ thuật. Các đơn vị đào tạo có thể đáp ứng nhu cầu của Liên minh Hợp tác xã bằng cách cung cấp các khóa học, chương trình đào tạo ngắn hạn và các chương trình đào tạo theo nhu cầu của từng hợp tác xã.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội sẽ xây dựng mô hình đào tạo theo hướng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề thực tế của từng hợp tác xã. Mô hình đào tạo này gồm có các hoạt động đào tạo trực tiếp tại hợp tác xã, hướng dẫn thực hành tại các trang trại, xưởng sản xuất và các buổi thảo luận về kinh nghiệm quản lý, phát triển hợp tác xã.

“Để những kế hoạch, định hướng trên đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội đề nghị thành phố dành nguồn lực thỏa đáng cho vấn đề này”, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Tiến Phong kiến nghị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các hợp tác xã: Cần có giải pháp tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.