Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nhóm PV Nội chính - Xây dựng Đảng| 05/01/2015 06:08

(HNM) - Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện năng suất, chất lượng lao động, đưa đất nước ngày càng phát triển.



Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện năng suất, chất lượng lao động, đưa đất nước ngày càng phát triển.

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực là một trong những yếu tố để phát triển chất lượng và năng suất lao động. Ảnh: Linh Ngọc


1. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù". Người luôn tin tưởng vào khả năng của người dân Việt Nam. Ngày 28-4-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Chính trị đặc biệt về tình hình đất nước. Phát biểu bế mạc, Người kêu gọi: "… các đồng chí sẽ đem tinh thần nhất trí, ý chí cách mạng và lòng tin tưởng quyết tâm của tất cả chúng ta ở hội nghị này đến nhân dân cả nước ta, biến thành một sức mạnh vĩ đại, một sức phấn khởi mới, hăng hái tiến lên!". Từ sau hội nghị này, phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt" đã được chính thức phát động. Phong trào lan tỏa khắp các địa phương miền Bắc, miền Trung, năng suất lao động (NSLĐ) từ đồng ruộng đến nhà máy đều tăng đáng kể. Nhờ đó, miền Bắc có đủ phương tiện, vật chất để hoàn thành sứ mệnh vĩ đại - hậu phương lớn của tiền tuyến lớn.

Lịch sử đã chứng minh, năng lực trí tuệ của dân ta không thua kém so với các dân tộc khác trên thế giới. Từ một đội quân xuất thân chủ yếu là nông dân, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, quân đội ta đã từng bước trưởng thành, tiến lên sử dụng được những phương tiện kỹ thuật hiện đại, đánh thắng hai "đế quốc to" là Pháp và Mỹ. Sau gần 30 năm đổi mới, công nhân, người lao động Việt Nam đã làm chủ được nhiều công nghệ tiên tiến, đạt NSLĐ không thua kém so với lao động của nhiều nước có trình độ phát triển cao trong các nhà máy công nghệ cao do nước ngoài đầu tư. Nhiều sản phẩm công nghệ cao do người lao động Việt sản xuất cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài.

2. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, NSLĐ của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong hội thảo về NSLĐ mới đây, TS Đặng Thị Thu Hoài, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) cho biết, hiện nay, NSLĐ của người Việt Nam chỉ bằng 13,2% so với Nhật Bản; 12% của Singapore; 37% của Thái Lan… Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng khẳng định, NSLĐ của Việt Nam thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc khoảng 10 lần. NSLĐ của một số nước có thu nhập trung bình trong khối ASEAN như Malaysia, Thái Lan cao hơn Việt Nam tương ứng 5 đến 2,5 lần. Dẫn hai nguồn đánh giá trên để thấy rằng từ nhiều góc nhìn khác nhau, vấn đề NSLĐ của người lao động Việt Nam đều đáng lo. NSLĐ là một chỉ số gián tiếp thể hiện mức độ phát triển của nền kinh tế. Nếu không nhanh chóng tìm ra biện pháp phù hợp, Việt Nam sẽ chịu thiệt hại về nhiều mặt như mất cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập của nhân công, phát sinh sự mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực…

Vậy, vì sao NSLĐ của người Việt Nam lại thấp? Trước hết về phía người lao động, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của cả nước còn cao, kỷ luật lao động cũng là một vấn đề. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi ngày trên cả nước xảy ra khoảng 20 vụ tai nạn lao động. Chưa kể, các DN Việt Nam luôn bị coi là chậm đổi mới công nghệ. Kết quả tổng điều tra DN mới nhất tại Việt Nam chỉ ra rằng, có quá nửa DN vẫn sử dụng công nghệ thấp; số DN sử dụng công nghệ cao chỉ vào khoảng 1/50.

3. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đưa ra nhiều biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có tăng NSLĐ. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 1-2011) đã thông qua chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng: "Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, DN và của cả nền kinh tế; phát triển kinh tế tri thức. Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh".

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cũng xác định 3 khâu đột phá chiến lược về kinh tế đó là: "1- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. 2- Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. 3- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn".

Đây chính là lời giải cho bài toán NSLĐ của Việt Nam. Giải pháp tổng thể này đã được Chính phủ cụ thể hóa thành 7 nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài và đang được khẩn trương triển khai thực hiện. Một trong những giải pháp bước đầu đã cho thấy tính hiệu quả là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Giải pháp này đã đem đến sự thay da đổi thịt ở nhiều vùng nông thôn, rõ nhất là tại trên 700 xã nông thôn mới trên toàn quốc, nơi thu nhập của người nông dân ngày càng tăng. Tại Hà Nội, việc tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã xuất hiện, mang lại thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/héc ta. Nếu tính NSLĐ của những nông dân này thì có lẽ chúng ta không thua kém nước nào trong khu vực.

Tuy nhiên, để nâng cao NSLĐ, những giải pháp cần được thực hiện đồng bộ với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất của tất cả các bên liên quan. Nói như vậy để thấy rằng, bên cạnh Chính phủ thì DN và người lao động cũng không thể đứng ngoài cuộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.