Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng công tác tham mưu

Võ Lâm| 05/12/2013 06:07

(HNM) - Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng TƯ vừa tổ chức hội thảo "Nâng cao chất lượng công tác tham mưu của các cơ quan Đảng TƯ trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong tình hình mới". Không chỉ đặt ra yêu cầu bổ sung, hoàn thiện quan điểm phát triển văn hóa, xây dựng con người của Đảng trong tình hình mới, các chuyên gia đã đưa ra những luận cứ bước đầu rất ý nghĩa về vấn đề này.

Chủ trì hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận TƯ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng TƯ, cho biết đầu năm 2014, BCH TƯ Đảng (khóa XI) sẽ tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) để tiếp tục hoàn thiện đường lối phát triển văn hóa, xây dựng con người. Việc chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã được khởi động, trong đó có công việc hệ trọng là xây dựng các dự thảo văn kiện đại hội, định hướng sáng rõ hơn con đường phát triển dân tộc, đất nước từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh: Đây chính là thời điểm quan trọng để tham mưu, tư vấn, tham gia sáng tạo những giá trị mới trong các dự thảo văn kiện của Đảng nói chung, trong việc hoàn thiện đường lối, quan điểm, chủ trương tiếp tục phát triển văn hóa, xây dựng con người nói riêng.

Các chuyên gia dự hội thảo cho rằng, phải bổ sung, phát triển những quan điểm mới của Đảng về văn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. PGS.TS Phạm Duy Đức, Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích chi tiết năm quan điểm chỉ đạo cơ bản được nêu trong Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII), từ đó đề xuất bổ sung, hoàn thiện cho từng quan điểm. Chẳng hạn, về quan điểm "Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", ông cho rằng nên bổ sung, làm rõ hơn như sau: "Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc với các đặc trưng tiêu biểu là dân tộc, hiện đại, khoa học, dân chủ và nhân văn, hướng tới phát triển con người đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới". Các chuyên gia cũng đặt vấn đề về số lượng quan điểm. Có người cho rằng nên duy trì năm quan điểm, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung các quan điểm để bao quát được hết các vấn đề.

Các chuyên gia cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hiện tượng phản văn hóa đang nảy sinh ngày càng phức tạp trong xã hội. Nhà báo Hữu Thọ khẳng định, chúng ta sống trong hòa bình nhưng vẫn tồn tại những cảm giác bất an, vì trong mối quan hệ với con người, xu hướng bạo lực đang gia tăng; tính vọng ngoại đang phát triển, đối xử với truyền thống cách mạng bị xem nhẹ; ngày càng nhiều hình ảnh ứng xử thô bạo với thiên nhiên, với di tích... Ông cho rằng, văn hóa học đường, văn hóa công đường và văn hóa gia đình là ba lĩnh vực cơ bản của văn hóa xã hội, nhưng cả ba đang "rất lộn xộn". Nhấn mạnh đến việc Đại hội XI của Đảng đã đề cập đến xây dựng "Hệ giá trị Việt Nam", nhà báo Hữu Thọ đề nghị phải coi đây là việc cấp bách, phải làm rõ được nội hàm này. Một số chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, "Hệ giá trị Việt Nam" cần ngắn gọn, súc tích ví như hệ giá trị của Singapore là "gia đình và cộng đồng" hay đơn giản như người Nga là "xây dựng con người biết xấu hổ"... Các chuyên gia khẳng định, phải bổ sung, hoàn thiện các quan điểm phát triển văn hóa, xây dựng con người mới, khắc phục bằng được những bất cập hiện nay.

Hội thảo cũng bước đầu xuất hiện những đề xuất quan điểm mới cho Đảng về phát triển văn hóa rất đáng chú ý như xây dựng "văn hóa chính trị" và "văn hóa kinh tế". Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ Vũ Ngọc Hoàng phân tích: Bản thân quyền lực luôn luôn tác động dẫn đến sự thoái hóa, xây dựng "văn hóa chính trị" chính là cách tạo ra vật cản để ngăn chặn tác động tiêu cực đó. Còn "văn hóa kinh tế" sẽ tiếp thêm sức mạnh cho phát triển kinh tế, giúp dân tộc bứt lên, không để rơi vào bẫy thu nhập trung bình hàng thập kỷ không thoát ra được như một số nước hiện nay. Chúng ta cần xây dựng một nước có thu nhập cao. GS.TS Phùng Hữu Phú đặt vấn đề, học tập và văn hóa phải được xem là hai thuộc tính trong những thuộc tính cơ bản hợp thành bản chất khoa học và cách mạng của Đảng trong thời kỳ phát triển mới. Xây dựng Đảng học tập, Đảng văn hóa phải được đặt thành nhiệm vụ chiến lược, thành công việc thường xuyên quan trọng của Đảng.

Đây mới chỉ là những ý kiến bước đầu, nhưng đã cho thấy tính chất quan trọng của vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng con người trong tình hình mới. Trước tiên, việc bổ sung, hoàn thiện quan điểm mang tính chỉ đạo của Đảng có ý nghĩa to lớn, bởi theo quan điểm của GS.TS Phùng Hữu Phú, về bản chất, quá trình sáng tạo những giá trị mới và xây dựng con người chính là quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, theo nghĩa bao quát nhất. Theo phương pháp tiếp cận này, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, về thực chất, cũng chính là lãnh đạo phát triển văn hóa, xây dựng con người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng công tác tham mưu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.