Giải trí

Sáng tạo trên nền văn hóa dân tộc

Thụy Du 14/01/2024 - 07:53

Những âm thanh mộc mạc từ nhạc cụ chế tác bằng tre, đất như đàn đó, trống chum, đàn niêu, trống lãng… hòa cùng tiếng kèn saxophone hiện đại, phóng khoáng mở ra cánh cửa xuyên không về những miền văn hóa đầy màu sắc dân gian, truyền thống.

Nhóm nhạc Đàn Đó và nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc sẽ đưa khán giả vào hành trình đầy sáng tạo này trong chương trình “Xuyên không” diễn ra tối 20 và 21-1, tại không gian Đàn Đó Lab (ngõ 109 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội).

untitled-1.jpg

Nhóm nhạc Đàn Đó với

3 nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn, Nguyễn Quang Sự đã 12 năm miệt mài tìm kiếm và sáng tạo những âm thanh từ chất liệu mang đậm màu sắc bản địa, với mong muốn đưa âm nhạc và văn hóa Việt đến với khán giả đương đại và đi xa hơn… Trước khi thành lập nhóm, các nghệ sĩ này đã có khoảng thời gian 3 năm tham gia biểu diễn tại châu Âu trong chương trình xiếc “Làng tôi”. Thấm đẫm văn hóa truyền thống dân tộc, lại được giao lưu với tinh hoa nghệ thuật phương Tây hiện đại, điều đó đã thôi thúc các nghệ sĩ bước vào hành trình thực hành nghệ thuật độc đáo.

Không chỉ sử dụng những nhạc cụ truyền thống có sẵn, nhóm đã tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo nhạc cụ từ tre, từ đất. Đầu tiên là chiếc đàn đó làm hoàn toàn bằng tre, có hình hài giống như chiếc đó bắt cá, rồi lần lượt các nhạc cụ khác ra đời, như đàn niêu (làm từ niêu đất), trống chum, trống lăn, trống thanh, trống lãng, chiêng đó, sáo thiu, sáo nước… tạo thành bộ nhạc cụ đặc sắc.

Cùng với quá trình chế tác nhạc cụ, các nghệ sĩ nhóm Đàn Đó cũng sáng tác âm nhạc lấy cảm hứng từ dân gian, truyền thống, phù hợp với thể hiện bằng nhạc cụ mới. “Đây là một hành trình phiêu lưu đầy cảm hứng. Chúng tôi đi khắp nơi tìm kiếm những thân tre, gốc tre phù hợp; sau đó biến mình thành người thợ chế tác, đục đẽo ra nhạc cụ; rồi là nhà nghiên cứu âm thanh phát ra từ nhạc cụ; trở thành nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn; sau cùng là khán giả để nghe những phần biểu diễn một cách khách quan…”, nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn chia sẻ. Họ đã truyền hơi thở văn hóa bản địa truyền thống vào những sáng tác hiện đại, biến những nhạc cụ từ chất liệu thô sơ, sần sùi nhất thành những âm thanh tinh tế, đầy rung cảm qua các chương trình như “Lời của tre”, “Chém gió concert”, “Đàn Đó”, “Đó là ở đâu, đó là ở đây”, “Chuyện của Đó”… được khán giả yêu thích.

Nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc chọn cho mình lối đi riêng, đóng góp phát triển jazz Việt bằng việc kết hợp nhạc jazz phương Tây với các chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Những chương trình “Jazz duyên” (jazz và quan họ), “Dân gian trên jazz, dân gian trên dây” (jazz và âm nhạc dân gian)… cho thấy sự say mê và tình yêu với âm nhạc truyền thống của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc.

Năm 2015, nhóm Đàn Đó làm việc tại không gian Phù Sa Lab và có sự gặp gỡ lương duyên cùng nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc trên hành trình sáng tạo âm nhạc. Chương trình nghệ thuật “Xuyên không” sắp tới sẽ kể câu chuyện âm nhạc đó. Nhóm Đàn Đó, thông qua âm nhạc từ nhạc cụ giàu màu sắc văn hóa bản địa, sẽ mang những giai âm của quá khứ và truyền thống tới hiện đại. Còn nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, với cây kèn saxophone, đi từ thực tại trở về quá khứ. Các nghệ sĩ hứa hẹn rằng, trong chương trình “Xuyên không”, khán giả sẽ được âm nhạc đưa đến những vùng ký ức, những miền đất khác nhau trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Không chỉ biểu diễn những nhạc cụ tự sáng tạo, nhóm Đàn Đó còn tạo ra cuộc đối thoại Đông - Tây độc đáo giữa âm thanh từ nhạc cụ bộ hơi bản địa như đàn môi, sáo pí, kèn sona, tamlay, kipah… với nhạc jazz từ tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc.

Tại chương trình “Xuyên không”, khán giả còn được tham quan không gian triển lãm của Đàn Đó Lab, nơi các nghệ sĩ chế tác và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật làm từ tre nứa, đậm chất bản địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo trên nền văn hóa dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.