(HNM) - Hiện nay, sản phẩm thủy, hải sản chế biến nội địa ngày càng đa dạng về chủng loại, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, do thiếu nguyên liệu, sản xuất mùa vụ, công nghệ máy móc lạc hậu, sản xuất theo truyền thống... dẫn tới không đủ hàng để chế biến cung cấp cho thị trường.
Nhiều mặt hàng thủy sản được ưa chuộng tại thị trường trong nước. |
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), sản lượng các sản phẩm thủy sản chế biến nội địa vào khoảng 548 nghìn tấn; trong đó, thủy sản đông lạnh chiếm tỷ trọng 36,7%, nước mắm 23,7%, mực khô 10,6%, cá khô 10,4%, tôm khô 7%... Hiện cả nước có 140 doanh nghiệp và 3.838 cơ sở, hộ gia đình tham gia chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, cơ hội, tiềm năng cho ngành chế biến thủy sản nội địa là rất lớn khi tiêu thụ thủy sản bình quân của người Việt Nam mới đạt khoảng 31kg/ người/năm. Tuy nhiên, việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa còn khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân nhận định, sản lượng khai thác thủy sản ngày càng giảm, chi phí ngày một tăng, dẫn tới khan hiếm nguyên liệu sản xuất cho các mặt hàng này. Vùng nguyên liệu sản xuất thủy sản ở các địa phương còn manh mún, chưa tập trung để phục vụ chế biến công nghiệp dẫn đến một loạt hệ quả như: Không đủ hàng cung cấp cho khách hàng lớn, chi phí sản xuất tăng, không giữ được lao động thường xuyên...
Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chậm đổi mới thiết bị công nghệ để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày một cao nên nhiều sản phẩm không thương hiệu, nhãn mác, chất lượng thấp, không ổn định; đa số sản xuất theo phương thức truyền thống nên chưa chú trọng tới vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...
Để khắc phục, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương cần bố trí quy hoạch các nhà máy chế biến gắn liền với quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung; doanh nghiệp cần ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cả hợp lý; nguyên liệu cần đáp ứng được yêu cầu khắt khe của công nghiệp chế biến và thị trường. Tuy nhiên, các nguyên liệu cần bảo đảm đồng đều về kích thước, trọng lượng, sạch bệnh, không có dư lượng kháng sinh, chất kích thích, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, muốn phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa, các ngành chức năng và doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch truyền thông nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng. Thực tế, người dân quen mua đồ tươi sống, không bao gói tại các chợ, siêu thị và thờ ơ với đồ đông lạnh có tem nhãn. Trong khi đó, tại các nước phát triển, chủ yếu tiêu dùng sản phẩm đông lạnh hoặc ướp đá, đã được chứng nhận bảo đảm chất lượng của các cơ quan chức năng...
Về vấn đề này, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho rằng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng thủy sản ở các làng nghề đến được với những thị trường lớn.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố tập trung củng cố, phát triển tốt các chợ nông thôn, hình thành các chợ đầu mối, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trao đổi, buôn bán các mặt hàng thủy sản.
Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần đẩy mạnh quảng cáo chất lượng, xây dựng thương hiệu những mặt hàng thủy sản có thế mạnh; cải tiến mẫu mã, bao bì... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu; chú trọng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.