Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cánh ước mơ cho đôi bạn trường làng

Hồng Hạnh| 05/08/2010 07:33

(HNM) - Ngày 4-8, Đoàn công tác Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đã tới thăm Trường THPT Ứng Hòa B và trao học bổng cho hai em Phạm Văn Khánh và Lê Thị Minh Vượng vừa đỗ thủ khoa ĐH Bách khoa và ĐH Y trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010, mỗi suất trị giá 10 triệu đồng. Câu chuyện của hai thủ khoa học chung lớp 12A3, thể hiện nỗ lực đáng trân trọng của những tấm gương nghèo vượt khó.

* Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới tặng học bổng cho 2 thủ khoa
(HNM) - Ngày 4-8, Đoàn công tác Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đã tới thăm Trường THPT Ứng Hòa B và trao học bổng cho hai em Phạm Văn Khánh và Lê Thị Minh Vượng vừa đỗ thủ khoa ĐH Bách khoa và ĐH Y trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010, mỗi suất trị giá 10 triệu đồng. Câu chuyện của hai thủ khoa học chung lớp 12A3, thể hiện nỗ lực đáng trân trọng của những tấm gương nghèo vượt khó.

Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán trao học bổng cho hai tân thủ khoa. Ảnh: Linh Tâm


"Mẻ gặt" đầu tiên

Ông Bùi Văn Trọng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi đã tin tưởng, giao nhiệm vụ cho cô giáo trẻ Lê Thị Vân Oanh dìu dắt lớp 12A3 ngay từ những ngày đầu nhập trường THPT. "Mẻ gặt" đầu tiên với thành tích hơn 70% HS trong số 53 HS của lớp đỗ ĐH là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của cả cô và trò trong suốt 3 năm học. "Mẻ gặt" này cũng khẳng định sự đúng đắn của ban giám hiệu khi mạnh dạn giao nhiệm vụ dìu dắt một lớp mũi nhọn của trường cho một cô giáo trẻ mới vào nghề. Theo ông Bùi Văn Trọng, người làm công tác chủ nhiệm không chỉ cần vững về chuyên môn, mà cần nhiều lắm sự lắng nghe, chia sẻ với học trò để trở thành người bạn đồng hành cùng các em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Được tin hai học trò của mình đỗ thủ khoa hai trường ĐH, cô giáo Lê Thị Vân Oanh rất vui mừng. Đó không chỉ là sự thành đạt của học trò, mà còn là dấu ấn đầu tiên của cô giáo trẻ mới vào nghề với cương vị là chủ nhiệm lớp. Cô cho biết, cả hai em Phạm Văn Khánh và Lê Thị Minh Vượng đều sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, song các em luôn ngoan ngoãn và là HS giỏi của lớp.

Nhà Khánh có hai chị em, chị gái của Khánh đang học ĐH Ngoại thương. Vì thế, niềm vui đỗ thủ khoa (29,5 điểm) đến với em cũng là lúc mẹ em - người phụ nữ quanh năm chỉ quen công việc đồng áng - thêm nỗi lo: kiếm đâu ra tiền trang trải việc học cho hai chị em và lo thuốc thang cho chồng mắc bệnh? Khánh kể, mẹ đã phải vay tiền để đưa em đi thi ĐH. Những ngày ở trọ, hai mẹ con chỉ dám đặt một suất cơm trong ký túc xá của trường và ăn thêm mì tôm…
Ngoài thời gian đi học, nửa ngày ra đồng phụ mẹ, cô bé Lê Thị Minh Vượng còn phải trông cậu em út mới 3 tuổi. Nhà nghèo, nhiều khi em phải xin phép nghỉ học ít ngày phụ việc đồng áng cùng mẹ để trang trải cuộc sống cho cả gia đình với 7 miệng ăn. Dù vậy, Vượng vẫn đạt 29 điểm khi thi vào ĐH Y và Ngoại thương và trở thành thủ khoa của Trường ĐH Y Hà Nội.

Bí quyết là ý thức... tự học
Đây không phải là lần đầu tiên ngôi trường làng này có HS đỗ thủ khoa. Năm 2004, Trường THPT Ứng Hòa B từng được nhiều người nhắc đến khi có một HS đỗ thủ khoa của hai trường ĐH ở hai khối thi A và B. Với một ngôi trường mà hầu hết HS đều là con gia đình thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn, đây thực sự là một kết quả không dễ gì đạt được. Khánh và Vượng cũng nằm trong số ấy, khi kinh tế gia đình chỉ trông hết vào hơn một mẫu ruộng.

Thương mẹ, nên Khánh cáng đáng đủ thứ việc ở ngoài đồng như cấy, gặt… đến những việc trong gia đình như nấu cơm, dọn dẹp… Không có nhiều thời gian cho việc học, ở trường Khánh luôn tập trung nắm vững kiến thức qua mỗi bài giảng, phần nào chưa hiểu em mạnh dạn nhờ thầy, cô giảng thêm. Mỗi lúc rảnh rỗi, em đều dành thời gian mượn thêm tài liệu của bạn bè để tham khảo.
Theo Khánh, điều quan trọng là phải có ý thức trong việc học. Với điều kiện hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, em chọn phương pháp tự học, trong đó cố gắng nắm vững kiến thức lý thuyết ngay ở trên lớp, sau đó đào sâu suy nghĩ để có thể giải quyết được các bài toán khó - môn học mà em yêu thích nhất. Khánh đã đạt giải khuyến khích môn toán trong kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia năm học 2009-2010 vừa qua, và là HS duy nhất của khối các trường THPT không chuyên của Hà Nội vinh dự có được thành tích này. Cũng từ ý thức tự giác với việc học, dù chọn khối A, song Khánh vẫn miệt mài ôn luyện tiếng Anh với mong muốn sẽ phục vụ tốt cho công việc sau này. Nỗ lực ấy đã có thành quả, khi em thử sức thi thêm khối D ở ĐH Hà Nội và đạt 22 điểm.

Cũng như Khánh, ngoài giờ học, Vượng luôn tất bật với việc đồng áng và việc nhà. Vượng cho biết: Có khi ru được em ngủ xong thì đã nửa đêm, mệt lắm nhưng chỉ dám gục xuống bàn một lát rồi lại cố gắng ngồi dậy học cho đến sáng. Ham học là thế, nhưng em không được bố mẹ đầu tư nhiều vì còn phải lo trang trải cho hai chị lớn cũng đang học ĐH.

Theo gương chị, Vượng luôn cố gắng hoàn thành bài vở ngay tại lớp, ghi nhớ những kiến thức cơ bản, sau đó nhẩm lại khi cùng mẹ đi cấy thuê hay vào lúc dọn dẹp nhà cửa. Khi được hỏi có đi ôn thi ở đâu không, em cho biết chỉ ôn tập với những kiến thức cô giáo giảng ở trường và đọc thêm sách giáo khoa. Theo Vượng, điều quan trọng đầu tiên là xác định ý thức phải tự giác với việc học, từ đó tự xây dựng thời gian biểu cho phù hợp và tự tin với những kiến thức mà thầy, cô giáo đã truyền dạy để "ngốn" dần dần, không nên "nhấp nhổm" với quá nhiều tài liệu tham khảo…

Chia sẻ về những dự định sắp tới, Khánh cho biết em sẽ cố gắng thu xếp thời gian học ở Trường ĐH Bách khoa để tìm việc làm thêm phụ mẹ lo tiền thuốc thang cho bố. Còn Vượng, dù còn trăn trở khôn nguôi với nỗi lo cơm áo song vẫn không thôi ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo. Trước những nỗ lực vượt khó của hai học sinh nghèo, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán đã khen ngợi tinh thần cố gắng của hai HS trong học tập, rèn luyện dù hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn; đồng thời động viên các em tiếp tục nỗ lực để sau này trở thành những người có ích cho xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cánh ước mơ cho đôi bạn trường làng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.