Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng bước em tới trường nơi biên giới

Hiền Phương| 03/03/2016 06:51

(HNM) - Không chỉ làm nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc, những chiến sĩ mang quân hàm xanh ở các miền biên cương còn có nhiều việc làm thiết thực giúp dân xóa đói, giảm nghèo, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.



Đã ở với các chú BĐBP hơn 1 năm nhưng Lò Phí Xé (16 tuổi) dân tộc Pa Hủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vẫn ngỡ như mình đang mơ. Dân tộc Pa Hủ vốn sống du canh, du cư, ăn còn chưa no, việc học hành càng khó. Thế nhưng, cuộc sống vất vả, lam lũ vẫn không cản được quyết tâm học chữ của Lò Phí Xé. Để tới trường, em phải luồn rừng đi bộ 2 ngày. Chứng kiến quyết tâm của Lò Phí Xé, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng, BĐBP Lai Châu đã quyết định nhận đỡ đầu em. Lò Phí Xé cho biết: "Em rất biết ơn các chú bộ đội. Nhờ các chú, em được đi học, được rèn nền nếp sinh hoạt. Từ một người quen sống tự do, sinh hoạt của em đã đi vào khuôn khổ. Là học sinh người La Hủ đầu tiên được học cấp 3, em sẽ cố gắng học tập ngày càng tốt để thay đổi cuộc sống và tiếp tục truyền đạt kiến thức cho trẻ em quê nhà".

Trường hợp của Chảo A San, sinh năm 2001, dân tộc Dao, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, cũng hết sức éo le. Bố Chảo A San không biết chữ, không biết tiếng phổ thông, mỗi năm gia đình em thiếu ăn 3 tháng nên cả 3 anh em đều không thể tới trường. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Đồn Biên phòng Xuân Trường đã nhận Chảo A San đỡ đầu nuôi dạy cả 3 anh em. Nhờ sự tận tâm dạy dỗ, chỉ bảo của các chú bộ đội, từ chỗ nói tiếng phổ thông chưa thạo, Chảo A San đã tiến bộ không ngừng. Năm học 2014-2015, em đã đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa dạy chữ cho trẻ em dân tộc thiểu số.


Các chiến sĩ BĐBP không chỉ dạy bảo con chữ mà còn chăm lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ hằng ngày. Các anh trở thành người cha, người chú khi nhận chăm sóc, nuôi ăn học những hoàn cảnh đặc biệt. Một trong những tấm gương đó là Trung úy Nguyễn Bá Truyền, sinh năm 1987, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 2012, biết hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của cháu Phạm Thị Tranh, người dân tộc thiểu số Tà Ôi ở thôn A Tín, xã A Đớt, huyện A Lưới, Nguyễn Bá Truyền đã tự nguyện nhận đỡ đầu em đến khi tốt nghiệp THPT. Hằng tháng, Trung úy Nguyễn Bá Truyền hỗ trợ cho gia đình Phạm Thị Tranh 500.000 đồng, đưa đón Tranh đi học và là sợi dây liên kết với nhà trường. Năm nay, Phạm Thị Tranh vào lớp 1. Ngoài việc chăm sóc em, Trung úy Nguyễn Bá Truyền còn sắp xếp thời gian để kèm cặp, hướng dẫn Tranh học bài. Hay như ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai, hằng ngày cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đều tổ chức nấu ăn trưa, dạy văn hóa, đưa đón học sinh khi thời tiết bất thuận.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết: "Ở những xã biên giới, việc đi lại rất khó khăn, các em đa phần là người dân tộc không có điều kiện đi học hoặc bỏ học giữa chừng. Việc thực hiện phong trào đã giúp nhiều em hiện thực hóa ước mơ đến trường, biết đọc, biết viết. Từ việc tiết kiệm lương, phụ cấp, tăng gia sản xuất, lao động gây quỹ, huy động các nguồn tài trợ, mỗi đồn biên phòng nhận đỡ đầu ít nhất 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có ý thức vươn lên trong học tập, với mức hỗ trợ từ 500.000 đồng/học sinh/tháng trở lên". Cùng với việc hỗ trợ vật chất, các chiến sĩ BĐBP còn trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn các em học văn hóa. Sau 1 năm triển khai chương trình "Nâng bước em tới trường" đã có hơn 1.200 em tại 45 tỉnh biên giới được hỗ trợ, đỡ đầu. Các đồn biên phòng đã trao hơn 7 tỷ đồng hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ mua xe đạp, dụng cụ học tập, quần áo mới...; vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây mới 3 trường và điểm trường, 15 lớp học bán trú; sửa 20 nhà ở cho giáo viên; nuôi dạy 18 em nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng bước em tới trường nơi biên giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.