(HNM) - Do thiếu lực lượng đủ mạnh nên tình trạng xe quá tải lại tái diễn phức tạp và có chiều hướng gia tăng...
Xe quá tải là nguyên nhân làm hư hỏng hạ tầng giao thông. Ảnh: Linh Ngọc |
Vi phạm tái diễn phức tạp
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tháng 3-2017, lực lượng Thanh tra giao thông của các sở GT-VT và các cục Quản lý đường bộ đã xử lý gần 2.700 xe vi phạm, phạt nộp Kho bạc Nhà nước 27,2 tỷ đồng; tháng 4-2017 xử lý hơn 4.250 xe, phạt hơn 33 tỷ đồng; tháng 5-2017 xử lý gần 2.800 xe, phạt 30,3 tỷ đồng.
Những khu vực được coi là điểm "nóng" phải kể đến là xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở đất, đá, vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên quốc lộ 18, đoạn qua thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); xe chở cát, đá, gỗ keo lưu thông vào ban đêm trên quốc lộ 1, quốc lộ 8 đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; xe chở hàng từ cảng Quy Nhơn, lưu thông trên quốc lộ 19 về tập kết tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định); xe tải nặng, xe ben lưu thông trên các tuyến đường vùng ven TP Hồ Chí Minh, như các tuyến đường đô thị tại quận 9, quận Thủ Đức, quận Tân Phú.
Tại Hà Nội, gần đây cũng xuất hiện xe chở vật liệu xây dựng cơi nới thành thùng, chở quá tải hoạt động rầm rộ trên các tuyến đường thuộc huyện Ba Vì theo hướng quốc lộ 32 về phía trung tâm thành phố; xe quá tải cày phá các tuyến đê Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và đặc biệt là Cảng Khuyến Lương (quận Hoàng Mai).
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận, hiện nay xe quá tải, đặc biệt là xe chạy đường dài đang có diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng trên các quốc lộ, đặc biệt là quốc lộ 1, 14, 6, 2, 3, 5… và các tuyến đường bộ nối những nơi sản xuất vật liệu đến công trường đang xây dựng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc nhiều trạm cân tải trọng xe lưu động tạm dừng hoạt động sau khi việc phối hợp liên ngành giữa Bộ GT-VT và Bộ Công an về tuần tra, kiểm soát, xử lý ô tô chở hàng quá tải trọng kết thúc vào tháng 9-2016. Lực lượng Cảnh sát giao thông nhiều tỉnh, thành phố đã rút khỏi các trạm cân, chỉ còn lực lượng Thanh tra giao thông. Đến thời điểm này, đã có 23/64 trạm cân trên cả nước ngừng hoạt động, 41 trạm còn lại dù vẫn duy trì, nhưng cũng chỉ cầm chừng... Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, để xe quá tải tái diễn, tiếp tục phá nát kết cấu hạ tầng giao thông còn do sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền một số địa phương...
Khẩn trương "xốc" lại lực lượng
Dù còn rất nhiều gian nan, song lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, thời gian gần đây, lực lượng chức năng các địa phương đã củng cố lại lực lượng, tiếp tục duy trì hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, kết hợp cân xách tay và đạt được những kết quả khả quan bước đầu. Qua kiểm tra theo dõi, tại những đoạn đường còn duy trì trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động thì lượng xe quá tải đã được ngăn chặn. Do đó, việc duy trì các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ thực sự bền vững nếu như có được sự phối hợp của Cảnh sát giao thông như trước đây. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xem xét và tiếp tục triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành GT-VT và Công an.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, trước mắt ngoài chỉ đạo khẩn trương tổ chức lại lực lượng, Tổng cục đã yêu cầu Thanh tra các sở GT-VT, Cục Quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra tại các cơ sở "đầu nguồn" như cảng, nhà máy, xí nghiệp lớn trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, vật liệu xây dựng; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra tại những tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông; phối hợp với các cảng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không có giấy phép lưu hành xe, hoặc sử dụng giấy phép lưu hành giả để chở hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi cảng, lưu thông trên đường bộ, đặc biệt là các cảng tại TP Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Về lâu dài, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ báo cáo Bộ GT-VT trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành mô hình trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tại các trạm thu phí, phương tiện qua trạm thu phí đều bị kiểm tra và kết quả sẽ được truyền về các sở GT-VT để xử phạt “nguội” nếu có vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.