(HNM) - Đang luôn phải lo tắc đường ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thì khi đi lại ở Viêng Chăn (thủ đô của Lào) người Việt Nam chúng ta thấy thật dễ chịu: giao thông thông thoáng, người tham gia giao thông đều hiền hòa.
Đi lại trong thành phố hầu như không nghe tiếng còi ô tô bóp inh ỏi, không nhìn thấy cảnh chen lấn hay vụ va quệt giao thông nào (vào thời điểm khác va chạm vẫn xảy ra nhưng chắc chắn không thường xuyên và kinh hãi như ở Việt Nam). Trên đường, các dòng ô tô, xe máy cứ điềm tĩnh lăn bánh, kể cả khi làn dành cho ô tô vắng tanh cũng không thấy người đi xe máy lấn sang. Người Viêng Chăn sẵn sàng nhường đường cho người khác một cách thân thiện, dù người đó có đi sai luật. Tất cả những hình ảnh đó cho thấy văn hóa giao thông ở Viêng Chăn là không thể chê được.
Lâu nay nhiều người cho rằng văn hóa giao thông chuẩn chỉ có ở những quốc gia phát triển. Nhưng Viêng Chăn không phải là thành phố hiện đại. Có nhiều cách lý giải, nhưng nhìn từ góc độ văn hóa thì chắc chắn cách sống hiền hòa, ứng xử nhã nhặn, chấp hành nghiêm túc pháp luật là cái căn cốt tạo nên văn hóa giao thông của người dân Viêng Chăn. Có nghĩa, không phải cứ hiện đại, giàu có thì quốc gia đó có văn hóa giao thông.
Còn ở Việt Nam chúng ta? Nạn kẹt xe, tắc đường thường xuyên ở các thành phố lớn đang là nỗi ám ảnh của mỗi người, gây ra hậu quả lớn về kinh tế và xã hội. Chúng ta đã có quá nhiều các hội nghị, hội thảo, chuyên đề, công trình khoa học... về vấn nạn tắc đường. Tất nhiên, nguyên nhân của vấn nạn tắc đường tựu trung cơ bản là: thiếu tầm nhìn quy hoạch giao thông, không đầu tư đúng tầm diện tích cho giao thông, đô thị phát triển quá nóng, dân số tăng nhanh, thiếu kinh phí làm đường, luật không nghiêm...
Vậy nếu nhìn từ góc độ văn hóa thì sao?
Còn nhớ, cách đây hơn hai chục năm, khi thành phố Bangkok (Thái Lan) bắt đầu tắc đường vì xe máy, báo chí và ngay cả những người có trách nhiệm ở nước ta khi nói đến điều đó thì lại như nói cái chuyện quá xa xôi mà không làm gì ngay để Việt Nam tránh vết xe đổ của người khác. Sự tích tụ nhiều năm của thái độ thờ ơ trong quản lý trước bài học của người khác, cũng là nguyên nhân quan trọng gây nên nạn kẹt xe, tắc đường ngày hôm nay. Điều này có vẻ ít người chấp nhận, nhưng thực ra đó là hậu quả của văn hóa quản lý yếu kém kéo dài (trong đó có yếu tố học hỏi và tầm nhìn). Ngày nay, khi tình trạng giao thông ở các thành phố lớn hỗn loạn thì chính văn hóa ứng xử yếu kém của người tham gia giao thông lại đẩy mức độ hỗn loạn trở nên trầm trọng hơn.
Các chế tài hình thành và áp dụng thường xuyên, liên tục trong xã hội cùng với sự thừa hành nghiêm túc của những người điều hành giao thông sẽ hình thành trong người dân ý thức về chấp hành luật. Nhưng từ lâu nay, dù rất cố gắng song tất cả những cái rất cần đó chỉ đạt ở mức dưới trung bình, thậm chí còn quá yếu kém. Bản chất của điều hành giao thông và luật giao thông là ngăn ngừa vi phạm luật bên cạnh sự trừng phạt. Nhưng thực tế thì tình trạng cài bẫy để trừng phạt, không chuẩn mực và nhiều khi người điều hành cố tình vi phạm luật để trừng phạt người vi phạm luật giao thông đang gia tăng. Điều này cũng góp phần lý giải tại sao rất nhiều người khi không có cảnh sát giao thông hay thanh tra giao thông là vi phạm luật ngay lập tức.
Chúng ta đã từng kiêng kỵ việc nói nhiều về tai nạn giao thông cũng như nói về số người chết do tai nạn giao thông. Trong thực tế, số người thiệt mạng do tai nạn giao thông lại quá nhiều: bình quân mỗi năm có khoảng trên dưới 10 ngàn người. Kiêng kỵ trong trường hợp này là không minh bạch thông tin. Và tất nhiên, điều này làm che mờ đi sự lo ngại và cảnh báo đối với phía quản lý giao thông cũng như phía tham gia giao thông. Giờ đây chúng ta không thể như vậy được, bởi vì đó là một thực tế đau xót hiện hữu từng phút, từng giờ. Minh bạch thông tin về giao thông cũng là một nét của văn hóa giao thông.
Người Việt Nam có truyền thống nhường nhịn và cũng rất tự tôn giá trị của mình. Tưởng như hai vấn đề này đối lập nhau nhưng không phải vậy. Nhường nhịn là nét văn hóa mang hàm lượng nhân văn. Khi con người biết nhường nhịn thì cũng chính là lúc sự tự tôn giá trị bản thân đã đạt ở tầm cao. Tự tôn khác với sự tự thỏa mãn "cái tôi" (bản ngã - theo cách định nghĩa thông thường). Tự tôn có hai mặt. Một mặt tích cực và mang tính chất xã hội là biết quý trọng giá trị bản thân và khi biết quý trọng giá trị bản thân thì phải tôn trọng người khác. Mặt tiêu cực của nó là coi "cái tôi" là số 1: chỉ có tôi mới đáng được tôn trọng, còn người khác thì không!? Đó là một thứ triết lý ích kỷ, vừa mang tính bản năng, vừa mang tính xã hội khi mà sự xâm thực của lối sống thực dụng trong thế giới hiện đại đang tấn công đời sống mỗi người dân. Chính vì thế mà nhiều người giành giật cái thuận lợi cho mình, bất chấp có ảnh hưởng xấu đến người khác hay không, bất chấp quy định của pháp luật. Và khi giành giật được người ta thấy thỏa mãn cái tâm lý đắc thắng.
Đời sống hiện đại với những hối hả tạo ra thứ tâm lý giành giật "mình phải hơn người khác" đã tác động rất lớn đến suy nghĩ và hành động của đa số dân cư. Vậy nên, tham gia giao thông khi đường đông người ta cứ muốn đi trước người khác, nhiều khi quyết xông lên đến chỗ trống hoặc đẩy người khác ra để chiếm chỗ cho mình. Với thứ tâm lý đó, người ta tranh nhau để được hơn người khác trong khi đi đường. Vượt lên trước trong nhiều trường hợp là sự phát triển, còn trong trường hợp tắc nghẽn giao thông thì lại là tai họa.
Điều nguy hiểm là thứ tâm lý ích kỷ đó có sức lây lan rất nhanh bởi trường điện tâm lý của tất cả mọi người bị kẹt xe đang bức xúc, đẩy sự liên thông nhanh hơn như các bình thông nhau. Ngay cả người có đức tính nhường nhịn do bị ức chế vì chen lấn, xô đẩy, ô nhiễm nên sự nhường nhịn bị cô lập và bị đẩy sang cực kia. Cho nên, ngay đến cả những người vốn có đức tính nhường nhịn cũng bị tác động làm cho cái tôi cá nhân trỗi dậy. Và thế là chẳng ai chịu nhường ai. Hệ lụy là kẹt xe càng trầm trọng, hỗn loạn giao thông càng thêm hỗn loạn...
Văn hóa là sản phẩm đặc biệt của con người và được kết tụ, giao thoa, lan tỏa. Văn hóa có cấu trúc như cây xanh. Ứng xử văn hóa là một nhánh cây của hệ thống văn hóa. Văn hóa giao thông cũng vậy. Nó được hình thành từ ý thức tự giác và sự chi phối của thiết chế xã hội. Một hành vi văn hóa hội đủ bản chất văn hóa của một thời kỳ lịch sử, của một giai tầng xã hội. Người ta có thể không dễ thấy những tầng sâu văn hóa ở nhiều lĩnh vực đời sống, nhưng văn hóa ứng xử trong giao thông lại rất dễ thấy vì nó diễn ra hằng ngày, trước mặt mọi người. Đáng lo ngại hơn là giữa thanh thiên bạch nhật người ta lại không thấy xấu hổ vì hành vi thiếu văn hóa của mình.
Nhìn từ góc độ văn hóa thì khi nói đến tình trạng kẹt xe, tắc đường chúng ta không thể chỉ quy kết rằng cơ sở hạ tầng giao thông quá yếu kém, hệ thống pháp luật không đồng bộ... Cơ sở hạ tầng giao thông của Viêng Chăn đâu có hiện đại, hệ thống pháp luật giao thông của Lào đâu phải đã đồng bộ, tại sao văn hóa giao thông của họ lại đáng nể như vậy! Điều đó phải được các cơ quan chức năng nước ta lý giải một cách thấu đáo. Nhiều khi không cần phải đi đâu xa hay tìm những gì cao siêu, chỉ cần nhìn sang bên cạnh chúng ta cũng có nhiều điều để học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.