(HNM) - Việc gia tăng quy mô chăn nuôi dẫn tới sức sản xuất của ngành này đang vượt xa nhu cầu tiêu dùng trong nước...
Dây chuyền chế biến trứng của Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Rào cản kỹ thuật
Theo Bộ NN&PTNT, nhiều sản phẩm chăn nuôi đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và có dư để xuất khẩu. Mặc dù vậy, hiện mới chỉ có một số sản phẩm thịt lợn sữa, thịt lợn choai đông lạnh qua chế biến được xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường như Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản...
Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông cho biết: Nếu lựa chọn sản phẩm thế mạnh, đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu, đồng thời tháo gỡ khó khăn về rào cản kỹ thuật thì việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sẽ có những bứt phá quan trọng, đem về nguồn ngoại tệ lớn không kém gì các sản phẩm tôm, cá tra...
Trong lĩnh vực xuất khẩu trứng và thịt gia cầm, hiện cả nước đã có 5 cơ sở xuất khẩu trứng gia cầm và 1 cơ sở xuất khẩu thịt gà qua chế biến. Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội, thị trường xuất khẩu trứng, thịt gia cầm của Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi là rào cản kỹ thuật liên quan đến vùng và cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện an toàn dịch bệnh.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, TP Hà Nội chọn thế mạnh là sản phẩm trứng gia cầm các loại và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này theo hướng công nghệ cao. Tuy nhiên, con đường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi để doanh nghiệp tự làm, mày mò như trước đây sẽ khó thành công, mất nhiều thời gian. Vì vậy, Cục Thú y nên có sự hợp tác, kết nối với các nước nhập khẩu sau đó hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các thị trường nước ngoài, mở ra hướng đi mới trong xuất khẩu.
Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí hạn chế. Đến nay, Hà Nội mới xây dựng được 45 cơ sở an toàn dịch bệnh và chưa xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh được Tổ chức Thú y thế giới công nhận. Đây là rào cản lớn nhất để các sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội xuất khẩu đi các nước, mặc dù thành phố đã có các vùng chăn nuôi tập trung, được quy hoạch và triển khai từ hơn chục năm nay.
Kết nối tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Để nâng cao chất lượng chăn nuôi đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và phân khúc thị trường mới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay: Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh xây dựng quan hệ hợp tác với ngành thú y các nước, kết nối và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, Bộ tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án giết mổ gia súc gia cầm tập trung, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ thấp nhất 2 tỷ đồng/dự án xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, nước, nhà xưởng... đối với dự án giết mổ tập trung và 5 tỷ đồng/dự án đối với chăn nuôi. Vấn đề cần phải làm hiện nay đó là phải xác định được các sản phẩm để xuất khẩu; hai là kiểm soát tốt dịch bệnh; ba là đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật để giảm giá thành sản phẩm.
Muốn làm tốt những việc nêu trên, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, cần phải xác định doanh nghiệp sẽ đóng vai trò nòng cốt. Các địa phương cần hỗ trợ về cơ chế chính sách để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tổ chức xây dựng đề án sản xuất thịt theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, nuôi thương phẩm, hệ thống dây chuyền giết mổ và pha lóc, hệ thống bảo quản mát, cấp đông, hệ thống kho bảo quản. Sản phẩm bảo đảm không có tồn dư các hóa chất như kháng sinh, hoóc môn, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng theo yêu cầu của nước nhập khẩu...
Tại hội nghị bàn giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin: Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020. Theo đó, nhiều dự án liên quan trực tiếp đến chăn nuôi, giết mổ, xuất khẩu lợn sẽ được triển khai đầu tư như: Dự án khu chăn nuôi tập trung tại tỉnh Tiền Giang với mức kêu gọi đầu tư là 72 triệu USD theo hình thức liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài; dự án sản xuất lợn giống và lợn thương phẩm kết hợp nhà máy chế biến thịt gia súc xuất khẩu tại tỉnh Hà Tĩnh với mức vốn kêu gọi đầu tư 88 triệu USD theo hình thức liên doanh...
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước có vốn đầu tư lớn cũng đang tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi. Dự kiến, đến năm 2020, Tập đoàn Dabaco, Tập đoàn CP, Công ty Đức Việt, Tập đoàn Masan, Tổng công ty Vissan sẽ xây dựng một số chuỗi sản xuất thịt lợn chế biến chín xuất khẩu sang thị trường một số nước Đông Nam Á và Châu Âu. Ngay trong năm 2017, Công ty Koyu United, Tập đoàn Dabaco và Tập đoàn CP hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến chín xuất khẩu đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là tín hiệu vui cho ngành chăn nuôi thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.