(HNM) - Chùa Một Cột ở Hà Nội đã thành một biểu tượng về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử, văn hóa Việt Nam. Còn tại TP Hồ Chí Minh, chùa Nam Thiên Nhất Trụ (Trời Nam một trụ) - phiên bản Một Cột, được dựng lên trong những ngày đất nước còn chia cắt, như một nỗi hoài hương và khát vọng non sông thống nhất.
Chùa Nam Thiên Nhất Trụ. |
Nhìn từ cổng tam quan, chùa Nam Thiên Nhất Trụ (quận Thủ Đức) nằm giữa lòng hồ Long Nhãn (hồ Mắt Rồng) rập rờn hoa sen có diện tích khoảng hơn 600m2. Trên mặt hồ, chùa vươn lên với ý niệm cao cả, vừa tạo nét gần gũi tinh khiết, vừa tạo nên không gian thanh tịnh. Chùa được đặt trên một trụ cao khoảng 12m đúc vĩnh cửu bằng xi măng cốt thép, mái lợp ngói uốn cong y như chùa Một Cột, nhưng thấp và nhỏ hơn. Chùa thờ tượng Quan Âm Chuẩn Đề Bồ Tát lộ thiên, tay cầm bình nước cam lồ tưới xuống hồ. Ngoài ra còn có các hạng mục khác như: tượng đài Đức Phật Di Đà, Di Lặc, Địa Tạng, nhà lưu niệm, Tổ đường, phòng khách, phòng khách tăng.
Đại đức Thích Minh Đạo (quyền trụ trì chùa) cho biết, chùa được Hòa thượng Thích Trí Dũng và phật tử là bà Đỗ Thị Vịnh xây dựng từ năm 1958 đến 1977, do kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức vẽ thiết kế dựa theo kiểu chùa Diên Hựu, còn gọi là Một Cột ở Hà Nội. "Lúc đó, miền Nam chưa giải phóng, những người đã nguyện phát tâm xây dựng chùa, như một lời tri ân sâu đậm đối với cội nguồn của dân tộc, để người phương Nam nhớ về cội nguồn tổ tiên, hun đúc hy vọng quốc thái dân an, quê hương hưng thịnh! Thời kỳ chiến tranh ác liệt, chùa là nơi nuôi giấu bảo vệ cán bộ cách mạng". Đại đức Thích Minh Đạo nói.
Một điều rất đặc biệt là khi khởi công xây dựng chùa, Hòa thượng Thích Trí Dũng đã phát hiện một cổ vật quý là chiếc đĩa bạch kim, đường kính 36cm, nặng 6,4kg, có khắc chữ "Ngũ tử đăng khoa" và trang trí bởi 24 loại hoa văn chìm, hoa, lá, cảnh... khác nhau. Giá trị của chiếc đĩa đã được một nhà sưu tập đồ cổ người Hồng Kông trả giá 200 lượng vàng nhưng Hòa thượng Thích Trí Dũng không bán mà gửi vào Bảo tàng Cách mạng TP để trưng bày.
Trong dòng người đến vãng cảnh chùa vào ngày cuối tuần, ông Trần Xuân Thụ (ngụ khu phố 2, phường Hiệp Phú, quận 9) chia sẻ: "Tôi luôn khát khao ra Hà Nội để được đến Hồ Tây, chùa Quán Sứ, chùa Một Cột… nhưng chưa được bởi điều kiện chưa cho phép… Nên mỗi buổi chiều cuối tuần tôi đến đây để vừa đem tâm niệm Phật vừa nhìn thấy được phần nào cảnh sắc Hà Nội".
Đến chùa, ta như vào một cõi lạ, yên bình và thanh cao, nhàn tản mà minh triết, huyền tịch mơ hồ giữa ngan ngát các loại hương hoa. Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nơi đây cũng là một địa điểm để những ai không có điều kiện ra Thủ đô, đến bày tỏ tình cảm với quê hương, đất nước. Đặc biệt, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, không chỉ những người con gốc Hà Nội, mà hầu như tất cả mọi người không có điều kiện ra Thủ đô đều đến đây để thỏa nỗi nhớ cố hương, để được trải mình trong không khí thanh khiết của mùa xuân phương Nam nhớ đất Bắc. Theo Đại đức Thích Minh Đạo, với vẻ đẹp hấp dẫn của chùa, hằng năm, Nam Thiên Nhất Trụ đã đón hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.