(HNMO) - Chính phủ Nam Sudan và lực lượng nổi dậy đã đạt thỏa thuận ngừng bắn sau cuộc đàm phán ở Ethiopia, chấm dứt sau hơn một tháng giao tranh đẫm máu.
Cuộc xung đột đã khiến hàng ngàn người dân Nam Sudan phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán |
Sau khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại thủ đô Addis Ababa, Ethiopia, mọi xung đột quân sự sẽ chấm dứt trong vòng 24 giờ đồng hồ. Trong tuần trước, quân đội chính phủ đã chiếm lại hai thành phố chính từng bị lực lượng nổi dậy kiểm soát.
Hơn 500.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán do cuộc xung đột kéo dài trong vài tháng qua. "Thỏa thuận là bước đầu trong việc tạo ra một nền hòa bình lâu dài tại Nam Sudan", Taban Deng, trưởng đoàn đại biểu lực lượng nổi dậy tuyên bố.
Tuy nhiên, chính phủ Nam Sudan hoài nghi về khả năng phe đối lập có thể kiểm soát toàn bộ các tay súng đang chiến đấu chống lại chính phủ. Hiệu quả của thỏa thuận ngừng bắn sẽ là cơ sở để làm giảm sự căng thẳng giữa hai bên, nhà phân tích Nam Sudan, James Copnall nhận định.
Các cuộc đàm phán sau thỏa thuận ngừng bắn sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 7/2 tới. Cuộc xung đột ở Nam Sudan xảy ra bắt đầu từ tranh chấp giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar kể từ ngày 15/12.
Một buổi lễ đánh dấu việc ký kết các thỏa thuận về việc chấm dứt chiến sự ở Nam Sudan đã diễn ra tại khách sạn ở Ethiopia, nơi cuộc đàm phán được tổ chức. Theo thỏa thuận, chính phủ Nam Sudan cũng sẽ trả tự do cho 11 tù nhân ủng hộ lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, những tù nhân này cần được xét xử tại tòa án Nam Sudan.
Các tù nhân chủ yếu là các đồng minh và các nhân vật chính trị của đảng SPLM. 11 người đã bị bắt giữ khi Tổng thống Salva Kiir đáp trả những lời cáo buộc đảo chính do ông Machar tiến hành. Bên cạnh đó, lực lượng nổi dậy đã yêu cầu quân đội Uganda chấm dứt chiến đấu hỗ trợ quân đội chính phủ Nam Sudan.
Mỹ hoan nghênh thỏa thuận và gọi đó là một bước tiến quan trọng trong việc tiến tới một nền hòa bình ổn định và lâu dài. Ngoại trưởng Anh Wiliam Hague cũng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn và kêu gọi quá trình hòa giải dân tộc.
Liên Hợp Quốc ước tính có hơn 1.000 người đã thiệt mạng do cuộc xung đột ở Nam Sudan. Chiến sự bùng nổ đã khiến Liên Hợp Quốc phải bổ sung 5.500 binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình đến Sudan, nâng tổng số binh sĩ có mặt tại đây lên con số 12.500.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.